Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà mọi sự việc đều biến đổi rất nhanh và khó đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Quả thật hôm nay khó có thể biết được tỷ giá sẽ dừng lại ở mức bao nhiêu hay đáy của chỉ số VN-Index sẽ là bao nhiêu. Công nghệ thông tin và hội nhập kinh tế đã làm nền kinh tế của chúng ta giao thông với nền kinh tế thế giới như hai chiếc bình thông nhau. Mọi sự thay đổi về tỷ giá, về lãi suất ngân hàng, về giá dầu, giá vàng đều ảnh hưởng ngay hay có thể nói là tức thời lên nền kinh tế Việt nam. Và tất nhiên ảnh hưởng này trực tiếp hay gián tiếp sẽ có tác động ngay đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.




Vậy chúng ta cần làm gì để đối phó với các thay đổi đang diễn ra hàng ngày? Có lẽ đây là một trong những câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất và đang phải đối mặt. Bài viết này chỉ xin đề cập đến một phần nhỏ của câu hỏi trên, đó là ở góc độ doanh nghiệp nên chuẩn bị gì để ứng phó với các ảnh hưởng hay nói cách khác có thể hạn chế các tác động do sự thay đổi gây ra.

“Cần dự báo trước” đó là cụm từ mà chúng ta thường nghe thấy trong thời gian gần đây. Từ việc dự báo các cơn bão sẽ đổ vào đâu, về sản lượng gạo trong năm, đến dự báo về mức tăng lạm phát, về mức tăng trưởng… Dự báo là công việc không đơn giản, dự báo đúng không hề dễ dàng chút nào và vì thế đôi khi chúng ta rất ngại phải dự báo. Phải chăng đó là do bản năng không tự tin và sợ sai tiềm ẩn trong bản thân mỗi con người?. Thế nhưng cần nhận thấy rằng, việc chần chừ không đưa ra dự báo hay quyết định đúng lúc đồng nghĩa với việc cầm chắc phần thua hay nếu có thoát cũng chỉ nhờ may rủi. Trong doanh nghiệp, lãnh đạo cần tập cho đội ngũ của mình quen với việc phải tập dự báo và chuẩn bị cho các dự báo khác nhau. Muốn dự báo được, chúng ta cần phải có các dữ liệu, từ các dữ liệu quá khứ cộng với các dữ liệu liên quan đang diễn ra chúng ta sẽ phân tích và đưa ra các tình huống, các kịch bản khác nhau. Do bản thân dự báo là một khoa học xác suất vì thế cần có mỗi kịch bản cho từng tình huống riêng. Ở đây đôi lúc do lười chỉ muốn tập trung vào một tình huống “dễ” nhất hay do thiếu sự phân tích thấu đáo nên nhiều lúc chúng ta chỉ chuẩn bị cho mỗi một kịch bản tốt mà quên đi những kịch bản xấu. Cần đánh giá cả những kịch bản, những tình huống xấu nhất có thể xẩy ra để sẵn sàng đối phó. Hãy suy nghĩ rằng, nếu thực tế điều xấu nhất không xảy ra thì mọi việc chỉ có thể tốt hơn mà thôi.

Cho dù chúng ta có dự báo giỏi đến đâu đi nữa, vẫn không thể dự báo được mọi tình huống, vẫn sẽ có lúc những gì xảy ra khác với những gì chúng ta suy tính. Chính trong lúc này, khả năng thích ứng nhanh của đội ngũ chính là lời giải cho vấn đề trên. Hãy để tâm rèn luyện kỹ năng này, nó chính là một trong những kỹ năng giúp doanh nghiệp thành công trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng chủ quan mà quá lạm dụng khả năng này.

Thích ứng hay phản ứng nhanh với sự thay đổi đòi hỏi bộ máy phải hoạt động 100% hay thậm chí 110% công suất, trong giai đoạn này vấn đề và tối ưu chi phí cần phải xếp sau vấn đề thời gian. Nếu chúng ta thường xuyên ép bộ máy chạy ở ngưỡng bằng hoặc trên 100% công suất thì chắc chắn sẽ không hiệu quả và rất dễ sẽ bị gãy cả hệ thống. Không phải ngẫu nhiên khi tính toán công suất thiết bị, những người làm dự án đều tính toán công suất hoạt động tối ưu của thiết bị nằm trong khoảng từ 70% - 80% công suất thiết kế. Bộ máy con người cũng không nằm ngoài quy luật này.

Dự báo càng nhiều tình huống, càng có nhiều kịch bản khác nhau, chuẩn bị cho các kịch bản này kỹ lưỡng bao nhiêu thì khả năng thích ứng của bộ máy càng tăng bấy nhiêu. Thật vậy, trong quá trình chuẩn bị cũng chính là lúc đào tạo và rèn luyện cho đội ngũ của mình khả năng xử lý trong các tình huống khác nhau, lần sau có thể sự việc xảy ra không hoàn toàn như vậy nhưng chúng ta có thể rút tỉa cách xử lý trong một vài công đoạn cho các tình huống mới. Vì thế việc luyện tập phân tích tình huống, cách xử lý là rất quan trọng để nâng cao kỹ năng thích ứng cho mọi người.

Ngoài ra còn một yếu tố rất quan trọng nữa đó chính là phải có quan điểm thích nghi với sự thay đổi hay nói cách khác là hãy suy nghĩ tích cực về sự thay đổi. Tiềm thức con người luôn hướng về sự ổn định vì chính sự ổn định là nền tảng cho sự tối ưu. Vì thế trong tâm lý mỗi người chúng ta đều ưa chuộng sự ổn định, không thích hay e ngại những thay đổi, xáo trộn. Sự thay đổi thường nằm ngoài mong muốn chủ quan và vì thế khi có sự thay đổi chúng ta hay mất thời gian, mất công sức cho việc than vãn, luyến tiếc thậm chí còn tìm cách quay trở lại cái cũ. Đôi khi thời gian cho các việc như vậy chiếm hết tâm trí và sức lực cho đến khi biết rằng không thể thì đã quá muộn để thích ứng. Thay vì thế chúng ta nên dũng cảm đối mặt và tiếp nhận sự thay đổi, đừng phó mặc số phận cho sự may rủi. Hãy suy nghĩ rằng sự thay đổi tuy là điều không muốn nhưng là điều không né tránh được. Bình tĩnh tiếp nhận, xem lại những tình huống đã xảy ra tương tự để tìm cách ứng phó, suy nghĩ logic để nhanh chóng vượt qua và  thích nghi với hoàn cảnh mới.  

Dự báo nhiều phương án, có được kịch bản chi tiết cho các tình huống có thể xảy ra sẽ giúp chúng ta có kế hoạch chuẩn bị chu đáo. Đừng ngại tốn thời gian và công sức cho việc lên kế hoạch, chuẩn bị càng chi tiết bao nhiêu sẽ càng giúp chúng ta ứng phó nhanh và thuận lợi bấy nhiêu khi sự việc xảy ra. Và nếu sự chuẩn bị đó không phải dùng đến thì nó vẫn sẽ giúp chúng ta phát triển khả năng thích ứng cho toàn đội ngũ cho những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.


Nguyễn Tân Kỷ
 
Top