“Đội tuyển Nga - câu chuyện cổ tích của Euro 2008” – đó là lời của một bình luận viên bóng đá. Họ, đội quân có độ tuổi trung bình trẻ nhất tại Euro kỳ này đã đánh bại đội tuyển Hà Lan của huấn luyện viên Van Basten trong một trận đấu vì  hơn hẳn các đối thủ từ chiến thuật, kỹ thuật, sức lực đến khát khao chiến thắng.


Sau đúng 20 năm, những chàng trai xứ sở Bạch dương đã trả sòng phẳng món nợ mà các đàn anh đã “vay” từ thời còn Liên bang Xô viết. Năm 1988, đội tuyển Liên Xô đã để thua Van Basaten và các đồng đội 2-0 trong trận chung kết. Năm nay, đội tuyển Nga đã đánh bại Hà Lan, ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch Euro kỳ này một cách hoàn toàn thuyết phục với tỷ số 3-1 để đi tiếp vào bán kết.     

Trong bóng đá, thắng thua trong một trận đấu là chuyện bình thường, có nhiều khi đội chơi hay hơn chưa chắc đã giành được chiến thắng. Nhưng cách những chàng trai Nga vượt qua Thụy Điển rồi Hà Lan lại khác. Những người hâm mộ thì bất ngờ, thích thú còn người thua chỉ còn biết tâm phục, khẩu phục. Đội tuyển Nga không những chỉ thi đấu bằng một trái tim đầy nhiệt huyếr, đầy khát khao chiến thắng mà còn trình diễn lối bóng đá tấn công đẹp mắt, thứ bóng đá của Hà Lan để chiến thắng Hà Lan. Vậy điều gì đã làm nên kỳ tích này cho đội tuyển Nga, khi mà ngay cả sau lượt đấu đầu tiên tại vòng chung kết Euro 2008 người ta vẫn luôn nghĩ  rằng Nga cũng sẽ chỉ là đội bóng lót đường ?

Ở những giải đấu quốc tế trước, đội tuyển Nga chủ yếu tập hợp, những cầu thủ đang đá thuê tại các nước ngoài. Riêng lần này thành phần ông Hiddink mang đến Euro hầu hết đều là những cầu thủ đang thi đấu tại giải trong nước. Phần đông trong số họ hầu như chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, nhưng bù lại họ còn rất trẻ và rất khát khao chiến thắng. Cũng có nhiều ý kiến qua lại xung quanh việc lựa chọn cầu thủ cho đội tuyển, nhưng ông Hiddink vẫn kiên định với ý kiến của mình, ông đã chứng minh cho mọi người rằng Nga vẫn có những cầu thủ trẻ tài năng đủ sức cho những giải đấu lớn và ông đã không nhầm khi đặt niềm tin vào lớp trẻ, họ đã lọt vào danh sách bốn đội bóng mạnh nhất châu lục tại thời điểm này.

Trong doanh nghiệp cũng vậy, việc lựa chọn giữa tuổi trẻ và kinh nghiệm luôn là vấn đề mà các lãnh đạo luôn phải cân nhắc và chọn lựa. Giao việc cho một khuôn mặt đã quen thuộc, những người mà chúng ta hiểu rõ, bao giờ cũng tạo được sự tin tưởng và dễ dàng hơn là cho một khuôn mặt mới chưa nhiều kinh nghiệm. Nếu chúng ta chỉ đặt niềm tin vào đội ngũ cũ thì có lẽ rất khó có được những ngôi sao mới, những tài năng mới, các giám đốc đều hiểu rõ điều này. Nhưng các tài năng trẻ đâu phải tự nhiên mà có được? ông huấn luyện viên đội Thuỵ điển từng ngậm ngùi phân trần sau trận thua đội tuyển Nga, không phải là ông không muốn gọi những cầu thủ trẻ vào đội tuyển, mà bóng đá trẻ Thụy điển giờ đây ít nhân tài quá, trong tay ông chỉ có bấy nhiêu thôi.

Có thể những điều đó là đúng, nhưng có lẽ cần đặt vấn đề khác đi. Tài năng trẻ không thể tự nhiên xuất hiện, người tài bao giờ cũng hiếm. Vì thế nếu chúng ta không tích cực chủ động tìm kiếm, có lẽ xác suất có được người tài sẽ là rất nhỏ. Tất nhiên tìm kiếm nhân tài không phải là chuyện đơn giản, vì thế cần phải tìm từ nhiều nguồn, nhiều cách. Có một cách mà các công ty đa quốc gia và một số công ty Việt nam lớn áp dụng khá thành công hiện nay là tổ chức những Ngày hội nghề nghiệp, thi tuyển chọn những tài năng trẻ ngay từ khi họ còn là sinh viên năm cuối hoặc mới tốt nghiệp. Thật ra cách làm này không mới, nhưng vì trước đây do chủ quan và ngại tốn kém nên các doanh nghiệp Việt nam chưa sử dụng rộng rãi. Ở các câu lạc bộ bóng đá, có hẳn một huấn luyện viên luôn đi săn lùng các cầu thủ trẻ từ những giải phong trào, hạng hai hay thậm chí ở những nước đang phát triển để mang về đào tạo cho đội hình chính sau này. Tất nhiên quá trình tuyển chọn này sẽ rất mất công và tốn sức, cả trăm người, thậm chí ngàn người mới lọc được một vài ứng viên tiềm năng đưa vào đào tạo. Công việc không hề đơn giản và dễ dàng, chính vì thế các huấn luyện viên rất ít khi ký hợp đồng một hoặc hai năm để xây dựng một đội tuyển. Cách làm kiểu như vậy chắc chỉ đúng với bóng đá Việt nam chuyên xây nhà từ nóc mà thôi.

Việc đào tạo trong doanh nghiệp không giống như việc đào tạo tại các trường đại học. Đào tạo tại doanh nghiệp phải gắn liền với công việc. Và đây chính là lúc mà nhiều nhà quản trị rất e ngại. Không chỉ tốn công, tốn sức mà còn có thể phải trả giá bằng cả thất bại của một dự án nếu chọn sai người. Vì thế trong giai đoạn này rất cần những cựu binh, những người có kinh nghiệm cùng làm, cùng hướng dẫn và kèm cặp. Kèm cặp nhưng không làm thay, phải tạo điều kiện để các bạn trẻ thể hiện mình, hướng dẫn chứ không nghĩ thay. Nếu thấy có dấu hiệu lệch đường cần có những biện pháp điều chỉnh ngay, tuy nhiên ở đây cần chú ý một điểm: tuổi trẻ rất hăng say và luôn muốn thể hiện mình, vì thế nếu bạn tham gia nhiều quá sẽ làm họ cảm thấy chán nản và mất đi nhuệ khí và mất luôn tính sáng tạo. Hãy tạo cho họ một khoảng không gian đủ lớn nhưng vẫn có kiểm soát để họ phát huy tiềm năng của mình. Nhà lãnh đạo cũng như người huấn luyện viên giỏi còn phải là một nhà tâm lý giỏi nữa. Hãy tạo điều kiện để họ ghi bàn. Guus Hiddink là một bậc thầy trong việc này.

Đãi ngộ và tưởng thưởng xứng đáng cho những thành quả mà đội ngũ tạo ra, đó là điều đương nhiên phải làm. Nhưng có một điểm ở đây các nhà lãnh đạo cần quan tâm hơn, đó là sự thay đổi của nhu cầu con người theo sự phát triển của nền kinh tế. Xã hội đang phát triển từng ngày, từng giờ, nhu cầu con người cũng sẽ luôn thay đổi, đừng nghĩ rằng cách đãi ngộ mà hai, ba năm về trước là tốt đến nay vẫn còn phù hợp. Hay nói cách khác tùy từng đối tượng, vị trí, tuổi tác… mà có những cách đãi ngộ khác nhau làm sao để có thể động viên họ cống hiến, sáng tạo một cách tốt nhất. Các cầu thủ trẻ tài năng luôn cần có những sự quan tâm đặc biệt. Họ chính là tương lai của đội bóng, của doanh nghiệp.

Điều cuối cùng tôi muốn đề cập đến là niềm tin. Huấn luyện viên Hiddink đã đặt trọn niềm tin vào các cầu thủ trẻ, những người trưởng thành từ giải vô địch quốc gia.  Đội tuyển quốc gia cần phải tập hợp từ những con người trẻ trung, những người khát khao chiến thắng, khát khao chinh phục. Ông luôn tin tưởng rằng Nga không thiếu những tài năng bóng đá và ngày hôm nay những cậu học trò với những cái tên khó đọc như Arshavin, Pavlyuchenko, Zirkov, Zyryanov… đang đền đáp lại niềm tin của ông.  

Trong doanh nghiệp cũng vậy, hãy đặt trọn niềm tin vào đội ngũ trẻ, những người luôn khát khao chiến thắng, khát khao vượt qua chính mình.  Với sức trẻ, không có gì là không thể !
Nguyễn Tân Kỷ

 
Top