Khát khao chỉ mới là những điều kiện đầu tiên để chúng ta có thể thành công. Muốn đạt được ước mơ chúng ta phải có một đội ngũ có năng lực cùng chí hướng, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung, dám đặt những mục tiêu thách thức và tìm cách thực hiện chúng... và chúng ta phải có những chính sách đãi ngộ đặc biệt cho họ.


Nguyễn Tân Kỷ - Xuân Mậu Tý 2008

Khởi điểm của Công ty Sản xuất mì ăn liền Hoa Long (Trung Quốc) chỉ là một dây chuyền với sản lượng chừng ba triệu tháng/gói, nhưng chỉ sau 14 năm, nay đã trở thành tập đoàn Thực phẩm Jin Mai Lang chuyên cung cấp các sản phẩm về mì, miến, nước giải khát với tổng giá trị tài sản trên sổ sách gần 1 tỉ đô la Mỹ. Riêng về mì ăn liền, sản lượng hàng tháng của Jin Mai Lang khoảng 600 triệu sản phẩm, đứng thứ hai Trung Quốc sau Kan sư phụ. Cũng nói thêm, hiện ngôi vị số ba tại Trung quốc thuộc về một công ty nội địa với sản lượng cỡ 100 triệu gói mỗi tháng. Quả là một sự chênh lệch quá lớn giữa vị trí số hai và ba. Hai công ty dẫn đầu hiện đang chi phối hơn 80% thị trường mì của Trung Quốc đều là các doanh nghiệp nội địa, các công ty nước ngoài như Nhật hay Hàn Quốc đều chiếm các vị trí vô cùng khiêm tốn. Mì của Kan sư phụ và Jin Mai Lang hiện đang so kè và có mặt tại khắp các quầy kệ trong siêu thị, nhà ga, bến tàu, tiệm tạp hóa từ thành thị cho đến nông thôn như thể để chứng tỏ với các đối thủ khác uy thế và sức mạnh của “Người dẫn đầu” thị trường mì.

Hội nhập kinh tế mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội lớn tiếp cận với nền kinh tế thế giới, với dòng vốn dồi dào, với công nghệ hiện đại nhưng đổi lại nó cũng đẩy các doanh nghiệp chúng ta rơi vào thế phải cạnh tranh trực tiếp, sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ là các tập đoàn, các công ty đa quốc gia có bề dày kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế vượt trội. Vậy có cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam hay không? Có, nhưng không hề dễ dàng chút nào, lấy ví dụ như trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, nơi mà môi trường kinh doanh gần như hoàn toàn bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, đa phần các vị trí dẫn đầu đều thuộc về các nhãn hiệu nước ngoài. Nhưng, vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam đang thách thức, thậm chí đang vươn lên vị trí số một trong ngành hàng của mình chỉ sau vài năm xuất hiện trên thị trường. Bí quyết đầu tiên của những doanh nghiệp này chính là “Khát vọng trở thành số 1”, trở thành “Người dẫn đầu”. Thật vậy, chúng ta không thể thành công nếu không có ước mơ hay khát vọng. Biết rằng khi bắt đầu ai cũng đều bé nhỏ, nhưng ai chẳng bắt đầu bé nhỏ như vậy? Lenovo khởi nghiệp 20 năm trước trong một nhà kho chật hẹp, vậy mà 20 năm sau đã đủ sức mua lại công ty máy tính xách tay IBM, để trở thành nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới. Hay như tại Việt Nam một ngân hàng cổ phần chỉ sau năm năm từ một vị trí rất khiêm tốn trong ngành tài chính đã phát triển thần kỳ, giá trị công ty tăng trưởng đến 300 lần và nay đã vươn lên thách thức các vị trí dẫn đầu trong ngành tài chính ngân hàng… Trong môi trường cạnh tranh luôn diễn ra mọi lúc mọi nơi, để thành công và được công nhận là thành công, chúng ta phải là “Người dẫn đầu”, phải là “số 1”. Cũng như trong bóng đá, đội chiến thắng là đội chủ động được lối chơi, bắt đội khác phải đá theo lối đá của mình, trong kinh doanh, nếu chúng ta là người dẫn dắt và điều khiển cuộc chơi, chúng ta sẽ là người thành công. 

Phải là số 1, không chấp nhận vị trí số 2 trong lĩnh vực hoạt động của mình, khát vọng đó, ước muốn đó phải trở thành niềm khát khao cháy bỏng của mỗi thành viên. Nó phải được thấm nhuần và xuyên suốt trong tổ chức, trong doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến các cấp quản lý bên dưới. Thế nhưng khát khao mới chỉ là điều kiện đầu tiên để chúng ta có thể thành công. Chúng ta không thể thực hiện mục tiêu trở thành số 1 chỉ bằng những ước mơ. Việc đầu tiên, chúng ta cần có một đội ngũ đủ năng lực cùng chung chí hướng, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung. Cần phải có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho những con người giỏi, những người dám đặt những mục tiêu vô cùng thách thức và tìm cách để thực hiện nó. Việc xuất hiện các đối thủ sừng sỏ từ các tập đoàn toàn cầu ở một mặt nào đó cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường đội ngũ nhân sự giỏi từ những công ty đa quốc gia, nếu chúng ta biết cách thu hút và tạo điều kiện để họ phát triển cùng công ty.



Để có thể chiến thắng được và vươn lên là người dẫn đầu, chắc chắn một điều là chúng ta không thể làm giống những gì người khác đang làm. Nếu chúng ta chỉ làm giống theo họ, mãi mãi chúng ta là người đi sau, cần phải đổi mới, đổi mới và đổi mới liên tục. Đổi mới trong cách suy nghĩ, trong cách tiếp cận, trong cách nhìn nhận và trong cách thực hiện. Không ai hiểu người Việt Nam hơn người Việt Nam hiểu người Việt Nam. Đó chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các công ty nước ngoài. Người châu Âu không ăn nước mắm chẳng lẽ lại làm nước mắm ngon hơn người Việt làm nước mắm, còn người Việt nấu phở không lẽ thua người Nhật. Tuy nhiên đó mới chỉ là một yếu tố. Điều quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, cái mà thường các doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh. Cần học cách “suy nghĩ toàn cầu, hành động Việt Nam”.  Phải liên tục đổi mới, từ việc định vị sản phẩm, phân khúc nhu cầu cho đến đổi mới sản phẩm. Là “Người dẫn đầu”, chúng ta phải đưa ra những phát kiến mới, những gì chưa ai làm, chưa ai nói. Người ta làm dầu gội dành cho phụ nữ, chúng tôi làm dầu gội cho đàn ông. Mọi người làm sữa cho em bé, chúng tôi làm sữa cho người già. Trẻ em uống sữa để phát triển chiều cao, còn sữa của chúng tôi giúp bé thông minh, tăng cường sức đề kháng. Nước ngọt có gas dễ gây thừa cân, nước trà chúng tôi giúp tiêu hóa, giảm cân, mì ăn liền tiện lợi nhưng nóng, mì chúng tôi vẫn tiện lợi nhưng không nóng, không gây nổi mụn…

Chỉ có khác biệt và sáng tạo, chúng ta mới có cơ hội vươn lên và trở thành “Người dẫn đầu”. Dẫn đầu trong phân khúc của mình, dẫn đầu trong ngành hàng của mình, dẫn đầu trong thị trường Việt Nam, rồi khu vực và thế giới...

Các ước mơ và mục tiêu đó cứ càng lớn dần, lớn dần lên theo sự phát triển của doanh nghiệp và cả của nền kinh tế. Khát vọng dẫn đầu đó sẽ không được ngừng lại, nó vừa là mục tiêu vừa là nguồn cảm hứng cho cả đội ngũ, cả đất nước vươn tới những kỳ tích cao hơn. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng khi đạt được những mục tiêu này kết quả sẽ rất ngọt ngào nhưng cũng không hề đơn giản. Toàn cầu hóa là một sân chơi đầy cơ hội nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Nơi đó tính chất thị trường được thể hiện rõ ràng nhất, nơi hoàn toàn bị chi phối bởi quy luật “Up-Out”, nếu anh thành công anh sẽ có tất cả, còn nếu anh không đi lên được anh sẽ là người ngoài cuộc. Nước Nhật cần 50 năm để trở thành cường quốc số 1 về hàng điện tử gia dụng, và Toyota cũng cần từng ấy năm để ngày hôm nay đang soán ngôi số 1 thế giới của General Motors về số lượng xe hơi được sản xuất ra và tiêu thụ trong năm. Khát vọng dẫn đầu của doanh nghiệp cần phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đội ngũ này sang đội ngũ khác. Nó phải được nuôi dưỡng bằng cả trái tim và khối óc. Ngày nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ cao, của kỹ thuật số. Ngoài bầu nhiệt huyết, cần và rất cần những cái đầu trẻ tuổi, thông minh, đầy tính sáng tạo, đổi mới. Đó sẽ là bí quyết của thành công và tôi cũng tin đó cũng chính là tương lai của Việt Nam.

Một mùa xuân nữa đang về. Mùa của hy vọng, mùa của những ước mơ, của những khát khao. Và tôi chợt nhớ một câu nói: “Mức độ thành công của một con người, một doanh nghiệp phụ thuộc chính vào độ lớn ước muốn của chính con người hay doanh nghiệp đó”. Điều này suy rộng ra cũng sẽ đúng với một dân tộc, một đất nước.

Trong môi trường cạnh tranh luôn diễn ra mọi lúc mọi nơi, để thành công và được công nhận là thành công, chúng ta phải là “Người dẫn đầu”, phải là “số 1”.




 
Top