Đối với người dân Brazil, đội tuyển bóng đá của họ vào vòng chung kết là điều đương nhiên và nếu chỉ đoạt huy chương bạc, sẽ đồng nghĩa với thất bại. Đội tuyển Brazil chỉ có một mục tiêu duy nhất – đó là phải chiến thắng và vô địch. Hơn 160 triệu người dân Brazil không chấp nhận mình ở vị trí số 2 trong bóng đá. Và quả thực, hiện nay họ là quốc gia vô địch thế giới nhiều nhất.

Ngoài yếu tố tài năng, có lẽ chính niềm khát khao chiến thắng đã giúp Brazil năm lần chinh phục đỉnh vinh quang – cúp vàng vô địch thế giới.


Trở lại chuyện kinh doanh, không gì buồn hơn nếu doanh nghiệp mình chưa xung trận đã có tư tưởng chấp nhận thất bại, chưa nổ súng mà đã nghĩ là thua. Nếu không tin vào chiến thắng, thất bại cũng là điều dễ hiểu. Đối với đội ngũ nhân viên, ngoài việc đào tạo về các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, một điều rất quan trọng đó là tạo được niềm khát khao chiến thắng, đạt mục tiêu trong họ. Muốn được như vậy bản thân người lãnh đạo phải luôn có lửa chiến đấu cùng sự tự tin dành chiến thắng và quan trọng hơn là phải truyền được tất cả điều này cho đội ngũ của mình. 

Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng mục tiêu cho doanh nghiệp và cho cả bản thân mình. Theo lý thuyết quản trị thông thường, việc xây dựng mục tiêu dựa trên 5 yếu tố mà chúng ta quen gọi là SMART. Tức là phải có tính cụ thể (Specific); phải đo lường được (Measurable); phải khả thi (Achievable); phải thực tế (Realistic); và có thời hạn (Time bound). Tuy nhiên kinh nghiệm thấy rằng, chúng ta cần chú ý thêm yếu tố thứ sáu khi xây dựng mục tiêu – đó là tính thách đố. Mục tiêu cần phải có tính thách đố, chính tính thách đố nếu sử dụng đúng liều sẽ là chất kích thích tuyệt vời cho cả đội ngũ nhân viên. Đừng nói không và mất thời gian đi tìm nguyên nhân cho việc không thực hiện được. Hãy tập cho các đồng sự của mình nói được, và tìm mọi cách thực hiện lời cam kết này. Đừng vội nghi ngờ bản thân mình khi bạn chưa nỗ lực hết mình.

Hãy tập cho nhân viên của mình ý chí phải thực hiện bằng được  mục tiêu đề ra. Tạo cho mọi người cảm thấy niềm tự hào khi đạt được mục tiêu, giành chiến thắng cũng như cảm giác kém cỏi, xấu hổ khi không hoàn thành nhiệm vụ. Thật sự đáng lo  nếu như mọi người cảm thấy việc không hoàn thành nhiệm vụ cũng vẫn nhẹ tênh như không có chuyện gì. Đừng để điều này trở thành lẽ tự nhiên, thường tình. Và cũng đừng tìm cách đổ lỗi cho người khác, hãy tự trách bản thân mình trước tiên. Vai trò của lãnh đạo trong trường hợp này là luôn duy trì được niềm khát khao chiến thắng, khát vọng đạt mục tiêu cho đội ngũ cộng sự của mình.

Người lãnh đạo giỏi là người luôn thắp cháy lên ngọn lửa nhiệt tình trong đội ngũ nhân viên, người lãnh đạo trung bình là người duy trì không để tắt ngọn lửa này, còn người lãnh đạo tồi là người để tắt đi ngọn lửa của nhân viên mình. Biết  thưởng, biết phạt đúng lúc đó là điều rất quan trọng để duy trì lửa chiến đấu. Đừng gói gọn và nghĩ rằng chỉ có thể động viên bằng tiền, hãy vận dụng và kết hợp mọi hình thức có thể. Một lời khen ngợi đúng lúc cộng với các phần thưởng vật chất sẽ có tác động rất mạnh đối với nhân viên. Một điểm cần lưu tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu đó là sự theo dõi và sự hỗ trợ khéo léo của sếp sẽ làm nhân viên rất cảm kích. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, việc tham gia quá cụ thể và chi tiết sẽ làm mất đi sự chủ động, sáng tạo trong nhân viên, ngược lại cũng đừng bỏ mặc họ với các khó khăn.

Hãy giúp họ sự tự tin, luôn nuôi dưỡng ý chí và tư tưởng chiến thắng trong họ. Tạo cho họ quen với men chiến thắng. Đừng để tư tưởng chấp nhận thất bại, đầu hàng số phận có cơ hội len lỏi vào suy nghĩ của đội ngũ nhân viên cũng như của chính bản thân bạn. Hãy học người dân Brazil luôn khát khao chiến thắng, luôn đặt mục tiêu là số một, không chấp nhận hạng nhì. Hãy bắt đầu từ những việc dễ nhất, những mục tiêu nhỏ nhất và giành từng chiến thắng cho đội ngũ của mình. “Sếp đừng lo, việc này để bọn em làm, đó là trách nhiệm của bọn em” - thật là điều tuyệt vời, nếu một lúc nào đấy bạn nghe được những lời như vậy từ chính nhân viên của mình. 


Nguyễn Tân Kỷ 


 
Top