Lá thăm định mệnh đã đưa Anh và Ý cùng Uruguay và Costa Rica rơi vào bảng D, bảng tử thần kỳ chung kết World Cup 2014 lần thứ 20 tổ chức tại Brazil. Trận đấu giữa Anh và Ý, trận đấu nhiều duyên nợ và cũng mang tính quyết định nên được nhiều người hâm mộ chờ đợi. Đội thắng sẽ có nhiều cơ hội để đi tiếp vào vòng trong. Và cả hai đội đã không làm người hâm mộ phải thất vọng, một Tam sư hừng hực khí thế của sức trẻ đối đầu với đội quân áo thiên thanh già "rơ", bản lĩnh.

Các cầu thủ xứ sở sương mù nhập cuộc với sự hưng phấn cực lớn. Những bước chạy thanh thoát của Sterling, Sturridge, Welbeck...nhiều lần làm cho các cầu thủ xứ sở giày ống phải hụt hơi, lỗi nhịp. Chứng kiến cảnh đó, người hâm mộ bóng đá Anh đều nghĩ về một chiến thắng cho Tam sư trước đoàn quân của Huấn luyện viên Cesare Prandelli. Thế nhưng người Ý đâu đơn giản vậy, họ vẫn bản lĩnh chống đỡ sự tấn công có phần "hung hãn" của các tài năng trẻ đến từ nước Anh như lời một bình luận viên bóng đá nhận xét. Sau những phút ban đầu ngỡ ngàng về tốc độ và sự khéo léo của các cầu thủ trẻ Tam sư, đoàn quân áo thiên thanh dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Pirlo đã khôn khéo bẻ gãy từng đợt tấn công và tổ chức phản công hữu hiệu. Kết quả chung cuộc như thế nào, chúng ta cũng đều đã biết. Nếu may mắn hơn người Ý còn có thêm một bàn thắng nữa sau cú đá phạt lắc xoáy chạm xà ngang của thiên tài Pirco vào cuối trận đấu.

Bóng đá luôn là vậy, cứ không phải đội đá đẹp hơn, tấn công nhiều hơn sẽ giành chiến thắng. Bóng đá không phải là một môn khoa học logic mà kết quả thắng thua có thể dựa trên các phân tích và đánh giá. Có thể vì lý do này mà FIFA luôn bảo thủ với việc áp dụng công nghệ điện tử vào bóng đá thay cho các trọng tài...

Quay ngược thời gian một chút, khi huấn luyện viên lão luyện Roy Hodgson nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Anh với mục tiêu hướng đến là vô địch Euro 2016. Hơn ai hết Liên đoàn bóng đá Anh hiểu rằng việc xây dựng một đội tuyển mới không phải là chuyện của một hai mùa bóng. Ông Hodgson có cơ hội sử dụng kỳ World Cup này như liều thuốc thử cho các tài năng trẻ của Bóng đá Anh. Còn nhớ một thời Tam sư lừng lẫy với những tên tuổi như Beckham, Lampard, Terry, Ferdinand, Rooney, Ashley Cole...nhưng nay những tên tuổi đó hầu hết đã qua dốc bên kia của sự nghiệp, cần một thế hệ mới để thực hiện được giấc mơ mà đàn anh mình chưa thực hiện được. Và thay vì cố bám vào những cựu binh để vớt vát thành tích, ông Hodgson mạnh dạn thay đổi gần như toàn bộ đội hình của Tam sư.

Đó là chuyện của bóng đá, còn chuyện doanh nghiệp thì sao? Tìm kiếm và đào tạo những nhân tố trẻ luôn là việc các doanh nghiệp lớn cần phải làm. Đã dần qua rồi cái thời có thể "mua" nhân sự giỏi trên thị trường, đơn giản là vì mua mãi rồi cũng sẽ hết và khi doanh nghiệp càng lớn, càng vượt lên tầm cao hơn, việc lựa chọn người lao động có chất lượng để mua cũng sẽ khó hơn rất nhiều. Khi đó, có khi chính các nhân viên giỏi của họ lại trở thành con mồi cho các công ty tốp dưới muốn vươn lên. Lời giải ở đây chỉ có hai lựa chọn, (1) phải tìm mua những người làm thuê có chất lượng cao hơn; (2) phát triển lực lượng nội bộ từ những ứng viên tiềm năng trong và ngoài tổ chức. Thường ở các công ty lớn đều áp dụng song song hai cách, vừa chiêu mộ những nhân viên có bề dày kinh nghiệm với phát triển song song những nhân sự trẻ để có thể trám vào những vị trí còn khuyết trong sơ đồ.

Nói thì dễ nhưng không dễ để kết hợp hai nhóm đối tượng này để tạo ra giá trị vượt trội cho tổ chức. Ngoài các việc phải làm như tạo dựng môi trường thuận lợi và bình đẳng để các thành viên cùng đóng góp tạo dựng giá trị, việc quan trong là cần có những mắt xích, những cầu nối để dẫn dắt những tài năng trẻ hoàn thành sứ mệnh của tổ chức.

Quay trở lại chuyện bóng đá, mới nhìn cách các cầu thủ Ý đá, chúng ta có cảm giác khó chịu nếu so với cách đá của người Anh. Một bên hừng hực sức trẻ, còn bên kia chậm rãi, từ tốn vì muốn nhanh cũng không thể đua được với sức trẻ. Thế nhưng điểm nhấn của đội quân áo thiên thanh là một nhạc trưởng Pirlo tài hoa với những đường tỉa tót chuyền bóng, nhả bóng khiến cả hàng thủ đối phương như bị bỏ lại phía sau và một Balotelli dũng mãnh chớp thời cơ như điện. Phải gọi Pirlo là thiên tài điều tiết và thiết kế mới đúng, nhìn anh chậm rãi từ tốn nhưng suy nghĩ và tư duy chiến thuật của anh ngang bằng với tốc độ chạy nước rút của bất kỳ một tài năng trẻ Tam sư nào. Anh già tuổi chứ không hề già trong suy nghĩ và khi tốc độ tư duy đó kết hợp cùng tốc độ bước chạy cộng với độ tinh quái của Balotelli là thứ vũ khí hạ gục các chú sư tử Anh kiêu hùng.

Các doanh nghiệp muốn kết nối thành công thế hệ trẻ, các tiềm năng tổ chức rất cần những nhân tố như Pirlo, cần những cái đầu với tốc độ tư duy của những người trẻ cộng với sự trải nghiệm bản lĩnh trận mạc, chính yêu tố này sẽ mang lại sự thành công cho tổ chức. Điều khác biệt quan trọng nhất giữa bóng đá và doanh nghiệp ở chỗ, trong bóng đá có thể ngưng một nhịp để chờ mùa giải năm sau, còn doanh nghiệp chỉ một phút ngưng nghỉ là có thể đã bị loại khỏi cuộc chơi. Việc đào tạo hướng dẫn đội ngũ trẻ và việc rất cần thiết, nhưng đó không phải lý do đội bóng bị thua cuộc hay thất bại trong một giải đấu. Đó là sự khác biệt vốn có của kinh doanh và chúng ta cần chấp nhận.

Dù chúng ta có yêu sức trẻ đến mấy nhưng cần nhớ rằng, người thắng cuộc sẽ được tất cả...


Nguyễn Tân Kỷ
   

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top