Trong vài năm trở lại đây, khi Việt Nam chuẩn bị tham gia vào WTO, toàn cầu hoá đang ngày càng đến gần với chúng ta hơn, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng tăng, nhu cầu có đội ngũ nhân sự cao cấp để lèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đến thành công càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Chỉ cần nhìn số trang quảng cáo tuyển dụng cấp trưởng phòng trở lên trong các báo hàng ngày hay các lớp đào tạo MBA, các khoá bồi dưỡng giám đốc… mở ra liên tục đủ thấy nhu cầu này đang “nóng” như thế nào. Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để không bị động trong cuộc cạnh tranh về nguồn chất xám cao cấp này?


Lối thoát hẹp của một nỗi bức xúc

Những tiếng thở dài…
Trước tiên điều dễ đập vào mắt chúng ta đó là chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cao cấp. Rất nhiều giám đốc, chủ doanh nghiệp Việt nam gặp nhau là than thở về đội ngũ nhân sự của mình. Khó kiếm người giỏi quá, tuyển khó quá. Sinh viên mới ra trường lơ ngơ quá … Quả là với sự phát triển nhanh như hiện nay các kiến thức của chúng ta nếu không được cập nhật thường xuyên rất mau bị lỗi thời. Kiến thức chưa kịp cập nhật mà đòi hỏi lại tăng cao, chính điều này càng làm khoảng cách giữa đào tạo và thực tế càng ngày càng xa hơn. Có chủ doanh nghiệp băn khoăn, không biết ngành nào đào tạo nhân viên điều phối hay trưởng phòng kế hoạch; còn giám đốc hậu cần (logistic) cần tốt nghiệp ngành nào nhỉ… Quả thực chúng ta còn quá ít những ngành đào tạo chuyên sâu dạng như vậy hoặc nếu có đào tạo thì kiến thức trong trường còn xa và lạc hậu với thực tế quá. Ngay cả các khoá đào tạo ngắn hạn cũng có dạy nhưng dường như cán bộ đi học về cũng không áp dụng được bao nhiêu. Việc học nhiều và không áp dụng được cũng phần nào tạo nên tâm lý nản của các học viên. Gần đây có rất nhiều khoá học với các giáo trình mới, được biên soạn từ tài liệu nước ngoài bắt đầu được phổ biến rộng rãi, tuy vậy hình như cũng chưa làm vơi đi bao nhiêu sự khan hiếm về nguồn nhân lực có trình độ. Có thể do nhu cầu còn quá lớn so với nguồn cung chưa đủ. Có thể nguyên nhân nằm ở chính cách giảng dạy. Phần đông các cơ sở đào tạo của chúng ta mới chỉ quan tâm việc đến cập nhật các kỹ năng, phương pháp và lý thuyết, còn một điều rất quan trọng khác: là dạy cách tư duy, cách phân tích trong từng kỹ năng hay phương pháp chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta còn quá chú tâm đến việc truyền đạt phần bề nổi của các phương pháp, kỹ năng hay nói một cách khác chỉ mới lớt phớt phần lý thuyết mà thiếu phần thực hành tư duy. Học viên học xong có thể rất thích thú với những 4P, 6M, 5W + 1H…nhưng nếu họ được đào tạo thêm và kỹ hơn về cách tư duy, suy luận tìm hiểu bản chất của vấn đề hay nói nôm na là dạy cách suy nghĩ, có lẽ các khoá đào tạo sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho các học viên.


Nói đến người dạy, không thể không nói đến người học. Muốn trở thành nhân sự cao cấp, người quản lý, hay các chuyên gia, tất cả đều bắt đầu từ những bước đầu tiên từ lúc còn ngồi trong giảng đường đại học. Hiện cách học của đa phần sinh viên Việt Nam còn thụ động, chưa chủ động tranh luận cùng giáo viên hay bạn học để mổ xẻ vấn đề một cách thấu đáo. Cách học thụ động như vậy sẽ không cho chúng ta thói quen làm việc trong môi trường luôn biến động, và điều này sẽ gây khó khăn sau này khi đi làm. Cần bổ sung thêm là cách học của các bạn sinh viên trong nước chủ yếu vẫn là ngồi giải các đề bài với mục đích gần như duy nhất chỉ để tìm ra một đáp số đúng. Đúng là nếu số đúng thường sẽ được điểm cao, nhưng quan trọng là cách tư duy để có được con số đúng đó mới là gốc rễ của vấn đề lại không được chú tâm và rèn luyện. Rồi thực tế khi ra đời trong công việc đối mặt hàng ngày, sẽ rất ít các nhiệm vụ chỉ có một đáp án, sẽ có vô vàn đáp án khác nhau tùy thuộc vào các phương án tiếp cận khác nhau, nếu chúng ta chỉ quen với một kiểu làm giải toán ra đáp số chắc chắn sẽ luôn ngỡ ngàng và khó thành công trong bài toán đường đời. Chỉ cần thay đổi một vài dữ liệu đầu vào là các bạn đó cảm thấy bối rối và lúng túng, vậy là nguy cơ mất cơ hội tăng cao. Mà trong kinh doanh hiện nay khi mọi việc không có gì là chắc chắn trừ sự thay đổi, việc không thích ứng kịp thời chính là rào cản lớn cho các bạn trẻ muốn vươn lên ở các vị trí quản lý cao trong doanh nghiệp. Cần phải học song song với việc ra 1 kết quả đúng là các phương án, cách suy nghĩ để đạt được nhiều cách giải khác nhau, cách phân tích, đánh giá lựa chọn cũng không thể thiếu trong hành trang của các bạn trẻ có giấc mơ trở thành những nhân sự chủ chốt, những quản trị viên cao cấp mà các công ty đang khao khát có.

Chia quyền đầu tư, sở hữu, điều hành…phương thức thu hút tài năng quản trị
Trong cuộc cạnh tranh về nhân sự cao cấp hiện nay, phần thắng có vẻ đang nghiêng về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tất nhiên đa phần các công ty đa quốc gia có các chính sách về lương bổng và phúc lợi cao hơn các doanh nghiệp Vịêt Nam. Nhưng có phải chỉ cần trả lương cao là chắc chắn thu hút được người tài ? Tất nhiên yếu tố về thu nhập rất quan trọng, nhưng nó mới chỉ là điều kiện cần để có thể thu hút lực lượng lao động cao cấp này. Đối với họ ngoài vấn đề thu nhập còn những điều khác cũng không thể thiếu đó là được tôn trọng, được đánh giá, có cơ hội học tập và phát triển bản thân. Có không ít những giám đốc sau một thời gian làm cho các công ty nước ngoài muốn quay về đầu quân cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì dù sao yếu tố màu cờ sắc áo luôn là điều gì đó thiêng liêng và có giá trị nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách. Nhưng có những người sau một thời gian hợp tác lại phải ngậm ngùi chấm dứt giấc mơ cùng chung xây dựng một điều gì đó lớn lao của người Việt, đi ra mở công ty riêng hay quay về với các công ty nước ngoài khác. Một trong những lý do không phù hợp xuất phát từ quan điểm người chủ và người làm thuê vẫn còn sâu đậm trong suy nghĩ của các chủ doanh nghiệp Việt Nam. Để nhân tài có thể phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của công ty, chúng ta cần chú ý tạo ra những cơ chế và thể chế rõ ràng, tránh chồng chéo hay tùy hứng theo kiểu ông chủ hay kiểu gia đình. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần thấy rõ những mặt hạn chế của cách quản lý cũ và đang chuyển hướng sang các cách quản lý hiện đại để có thể dễ dàng thu hút được sự tham gia của những nguồn lực mới. Việc chia sẻ quyền đầu tư, quyền sở hữu, quyền điều hành của các chủ doanh nghiệp, các sáng lập viên cho các nhân sự chủ chốt được đánh giá là những bước đi đúng xu thế phát triển theo mô hình doanh nghiệp hiện đại, mô hình các công ty cổ phần đại chúng. Đứng về khía cạnh đãi ngộ điều này là sự tưởng thưởng cho công sức đóng góp của các thành viên chủ chốt trong công ty, những người không có may mắn là những sáng lập viên góp vốn và góp sức ban đầu. Mặt khác còn là sự cam kết: “doanh nghiệp này, thương hiệu này không chỉ thuộc về một cá nhân, một gia đình hay một nhóm nhỏ mà là của tất cả những ai đã, đang và sẽ bỏ công sức gây dựng, phát triển nó”.

Những giải thưởng thực chất
Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này đó là sự đánh giá của xã hội cho lớp nhân sự cao cấp. Trong những năm gần đây chúng ta nói rất nhiều về tinh thần khởi nghiệp, các tấm gương lập nghiệp, những chủ doanh nghiệp thành đạt… Điều này đã kích thích nhiều bạn trẻ dũng cảm đứng ra mở công ty, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mình. Chúng ta đã có nhiều những giải thưởng tôn vinh những chủ doanh nghiệp thành công, thế nhưng hình như chúng ta vẫn còn thiếu vắng những giải thưởng tôn vinh những nhà quản trị cao cấp hay những giám đốc marketing kiệt xuất, các kiến trúc sư xuất sắc hay những giám đốc tài chính hàng đầu… Nếu bên cạnh những giải thưởng như 10 Doanh nghiệp xuất sắc, chúng ta có 40 nhân vật kinh tế hàng đầu của năm, top 100 nhà quản trị cao cấp Việt Nam, 20 giám đốc marketing giỏi… có lẽ sẽ tăng thêm động lực thu hút các bạn trẻ mong muốn trở thành những nhà chuyên môn giỏi, những nhà quản lý chuyên nghiệp. Ngoài ra còn một yếu tố cũng đáng để suy ngẫm, đó chính là mặt bằng thu nhập của các nhân sự cao cấp tại Việt Nam. Ngay cả mức lương được coi là hấp dẫn của các nhân vật “làm thuê” số 1 tại Việt Nam trong một bài báo gần đây đề cập đến, có lẽ chưa chắc đã ngang bằng với thu nhập của một chủ doanh nghiệp vừa vừa. Nhắc đến điều này tôi nhớ đến câu nói đùa phổ biến của các chủ doanh nghiệp giám đốc Việt nam khi an ủi nhau về trình độ cán bộ của mình: “chấp nhận đi, nếu họ thực sự giỏi đã không chịu đi làm thuê đâu, đã tự mở công ty từ lâu rồi”. Câu nói ấy có lẽ không phải nó không dựa trên quan điểm, lối suy nghĩ hay cách đánh giá hiện tại của xã hội.
Trong nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, một nền kinh tế mạnh được đánh giá qua những tập đoàn, những doanh nghiệp quy mô lớn với những thương hiệu nổi tiếng. Muốn được vậy trước tiên các doanh nghiệp phải tập hợp được nhiều nhân tài, những nhà chuyên môn giỏi, những nhà quản lý tài ba. Các công ty đa quốc gia tại Việt Nam tuy có khó khăn nhưng họ vẫn luôn có được những nhân sự người Việt giỏi, còn chúng ta các công ty Việt Nam thì sao ? câu trả lời có lẽ đang nằm trong chính bản thân của mỗi người trong chúng ta thực sự muốn điều đó như thế nào. 

Muốn trở thành nhân sự cao cấp, người quản lý, hay các chuyên gia, tất cả đều bắt đầu từ những bước đầu tiên từ lúc còn ngồi trong giảng đường đại học. Hiện cách học của đa phần sinh viên Việt Nam còn thụ động, chưa chủ động tranh luận cùng giáo viên hay bạn học để mổ xẻ vấn đề một cách thấu đáo

Nguyễn Tân Kỷ
 
Top