(TBKTSG) - Vài năm trở lại đây, thường được nghe nhiều ý kiến phê phán việc bánh trung thu không còn là món quà cho trẻ con mà đã là thứ quà biếu lẫn nhau của người lớn, thậm chí nó còn không dùng để ăn mà để phục vụ những ý đồ khác của người lớn...




Đúng là ngày hôm nay, những chiếc bánh trung thu bọc trong những bao bì đẹp mắt, sang trọng đã vượt rất xa những cái bánh nướng, bánh dẻo bọc trong những tờ giấy thô ráp thuở nào. Nó đã không chỉ còn là món quà của trẻ nhỏ đêm trăng rằm tháng Tám mặc dù trẻ nhỏ vẫn thích thú khi được cho hộp bánh, mà đã trở thành những món quà người lớn biếu tặng nhau. 

Và cũng không ít những trường hợp, một số người dùng bánh trung thu như một cái cớ để gửi kèm theo nó những khoản lót tay cho những hợp đồng, những dự án béo bở hay những cái “ghế” sắp trống... 

Ơ nhưng mà nếu người ta cần lót tay thì đâu cần đợi đến dịp Tết Trung thu mới đưa nhỉ, nói vậy có oan uổng cho bánh trung thu lắm chăng? 

Ngày nay có những hộp bánh trung thu trị giá cả triệu đồng, nhưng đã sao nhỉ, xã hội phát triển, mỗi một sản phẩm đều có những đối tượng khách hàng riêng của mình.

Tại sao chúng ta dễ dàng chấp nhận có những chai rượu Tây vài ba triệu đồng bên cạnh những chai rượu đế chỉ mười mấy ngàn hay những bữa tiệc cả chục triệu so với một bữa ăn bình dân chỉ vài chục ngàn mà lại cảm thấy ngạc nhiên khi có những hộp bánh trung thu hơn triệu bạc.

Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, mùa Trung thu quả là một cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất bánh kẹo, có những doanh nghiệp một năm chỉ sống vào mùa Trung thu. Mà nào bánh trung thu chỉ mang lại doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nó còn kéo theo việc làm cho một loạt doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, bao bì nữa chứ và còn rất nhiều việc làm khác nữa mà mùa bánh trung thu đem lại cho cộng đồng.



Vậy tại sao chúng ta chỉ nhìn và đánh giá nó qua những khía cạnh tiêu cực như là món quà lót tay... mà không nhìn cả những khía cạnh tích cực. Phải chăng chúng ta vẫn chưa quen với việc đề cao và kích thích tiêu dùng. Chính sự tiêu dùng của người dân sẽ làm tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp phát triển, người lao động có thu nhập sẽ tăng cường chi tiêu, Chính phủ thu được thuế có nhiều điều kiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường an sinh xã hội lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và người dân chi tiêu. Đó chính là vòng xoáy của sự phát triển kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào.

Còn việc dùng bánh trung thu làm quà tặng thì sao nhỉ? Trước đây tôi nghĩ người Việt mình nhiều dịp tặng quà thế, nào là Tết Nguyên đán, rồi giỗ chạp... nhưng thực ra chính những nước có nền kinh tế phát triển, người ta mới tặng nhau nhiều quà và trong nhiều dịp lễ nữa kìa, này nhé: sinh nhật, ngày Valentine, ngày lễ Phục sinh, ngày của mẹ, ngày của cha, ngày lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới... Tất cả ngoài ý nghĩa văn hóa còn là cách kích cầu tiêu dùng rất tốt. Vì quà là thứ người ta sẽ tặng nhau qua lại, nghĩa là sẽ kích thích tiêu dùng gấp đôi bình thường.

Và việc này hiện cũng đang được các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng Việt Nam làm rất tốt. Liên tục các đợt khuyến mãi nhân dịp các ngày lễ, từ những ngày lễ thuần Việt như Tết, Trung thu, Vu Lan cho đến cả những ngày lễ mới du nhập từ nước ngoài như ngày Valentine, ngày 8-3, ngày của mẹ, Giáng sinh... Đó cũng là tín hiệu mừng cho nền kinh tế Việt Nam.

Vậy tại sao chúng ta lại phản đối việc tặng quà nhân dịp Trung thu, hay thậm chí có ý kiến còn cho rằng bánh trung thu không ai ăn. Đúng là nhiều người ở thành phố hiện nay không có nhu cầu ăn bánh trung thu do sợ đường, ngán béo, kiêng tinh bột... nhưng có lẽ số này mới chỉ là thiểu số và tập trung tại các đô thị lớn. Chúng ta đâu cần lo những hộp bánh trung thu hay những hộp mứt bỏ phí vì không ai ăn và thực tế chưa thấy hộp bánh hay hộp mứt nào phải vứt vào thùng rác cả.

Nên phê phán hành vi lợi dụng việc tặng bánh trung thu để lo lót, đưa hối lộ nhằm trục lợi cá nhân, chứ đừng nên phê phán việc tặng bánh Trung thu. Nền kinh tế bất kỳ quốc gia nào cũng rất cần người dân tiêu dùng chứ không phải cất tiền trong tủ hay mua vàng tích trữ. Muốn nền kinh tế nhanh chóng hồi phục, vượt qua khỏi khủng hoảng, cần khuyến khích tiêu dùng hơn nữa, tăng nhanh sự lưu chuyển giữa tiền - hàng - tiền. Người dân có tiêu dùng, doanh nghiệp mới bán được hàng, thu được lợi nhuận để tái đầu tư, tạo ra thêm nhiều việc làm, nộp thuế cho Nhà nước, đời sống xã hội mới nâng cao. Cái bánh tuy bé, nhưng mọi việc chẳng bắt đầu từ bé đấy thôi.


Nguyễn Tân Kỷ
 
Top