Nguyễn Tân Kỷ

Trong một buổi giao lưu với các doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh thuộc câu lạc bộ Doanh nhân 2030, ông Michael Mann - cựu Đại sứ Úc tại Việt Nam đã có lời khuyên các bạn trẻ Việt Nam hãy luôn tự đặt câu hỏi “Tại sao không ?” (Why not ?) trước những cơ hội trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp của mình.


Bằng dẫn chứng sinh động qua cuộc đời mình, ông M.Mann, hiện đang là Hiệu trưởng trường Đại học quốc tế RMIT tại Việt Nam muốn các doanh nhân trẻ Việt Nam phải biết tự tin vào khả năng của mình, đó là một yếu tố quan trọng không thể thiếu của người thành công. Bản thân ông đã kinh qua rất nhiều công việc, (báo chí, truyền hình, ngoại giao và bây giờ là giáo dục) và công việc nào ông cũng đều gặt hái thành công.

            Người Việt Nam thường không đủ tự tin, đặc biệt là đối với các bạn trẻ vốn chưa trải nghiệm nhiều. Điều này có lẽ do ảnh hưởng của nền “văn hoá làng xã”, chúng ta chỉ cảm thấy tự tin trong một mội trường quen thuộc, khi phải bước ra một môi trường mới lạ liền cảm thấy sợ và đâm ra tự ti. Nói một cách nôm na là “khôn nhà, dại chợ”. Xã hội đang phát triển, chúng ta đang chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Nhưng vẫn còn 80% dân số là nông dân, và cộng thêm “văn hoá làng xã” là thứ mà không dễ dàng thay đổi ngày một, ngày hai. Đâu phải chỉ cần khoác cái áo xanh công nhân là người nông dân hôm qua đã có ngay được tác phong công nghiệp. Ở các nước phát triển, ngay từ bé mọi học sinh đều được giáo dục cả ở nhà lẫn trong trường tính tự lập, tinh thần tự chủ từ những việc bé nhất trong sinh hoạt hàng ngày đến cách tư duy, suy nghĩ; còn ở Việt Nam điều này vẫn còn thấy rất mờ nhạt. Học sinh vẫn bị  thúc ép, ở nhà bố mẹ, anh chị làm hộ mọi thứ; đến trường, thầy cô bắt học thuộc lòng, đọc cho ghi từng dấu chấm, dấu phẩy. Việc học này tiếp diễn lên tận cấp 3, thậm chí ở bậc đại học. Như vậy thử hỏi làm sao các bạn trẻ khi ra trường, bắt đầu đi làm có thể tự tin được. Họ đã quen được người khác lo và chỉ bảo cặn kẽ nên đến khi phải tự quyết định sẽ cảm thấy hụt hẫng và bối rối.

Ở các doanh nghiệp Việt Nam không nhiều các trường hợp tự nguyện xung phong nhận nhiệm vụ mới hay đứng ra xử lý một việc quan trọng. Thường khi có một công việc mới phát sinh, sếp đều phải giao cụ thể cho cá nhân hay bộ phận nào đó thực hiện. Đến 80% người khi nhận những nhiệm vụ này đều than phiền nêu những khó khăn, nguyên nhân không thực hiện được. Mặc dù, tuy có khó khăn nhưng phần lớn đều hoàn thành. Căn bệnh này không chỉ ở cấp nhân viên thừa hành mà đôi khi có ở cả những cấp quản lý trung gian. Lúc đó, sao chúng ta không tự hỏi “Tại sao lại không thực hiện được ?” và thay vì “kể khổ”, hãy tập trung suy nghĩ về các điều kiện khả thi cần có để thực hiện nhiệm vụ. Điều cốt lõi ở đây mà sếp cần truyền đạt đến đội ngũ của mình là quan điểm hướng về tìm cách thực hiện, thay vì lối suy nghĩ tiêu cực chỉ dừng lại ở các nguyên nhân khó khăn. Cần phải luôn nuôi dưỡng tinh thần “Tại sao không” này cho chính bản thân lãnh đạo cùng đội ngũ nhân viên. Người ta làm được, chúng ta nhất định làm được, và chúng ta phải làm được những điều người khác chưa thực hiện được. Chỉ có như thế mới có cơ hội vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Còn nếu người ta làm được, mà chúng ta làm không được, thôi có lẽ khỏi cần nói đến chuyện cạnh tranh nữa. Tư tưởng này, cách suy nghĩ này phải thấm nhuần chảy trong từng mạch máu, thớ thịt của từng thành viên, từ cấp quản lý cho đến cấp thừa hành.

Tất nhiên chỉ có quyết tâm suông là chưa đủ, chúng ta cần trang bị cho bản thân và đội ngũ của mình những kiến thức để thực hiện yêu cầu của công việc. Việc đào tạo các kỹ năng là rất cần thiết. Kiến thức phải luôn được cập nhật và làm mới. Trong phạm vi bài viết này, không đề cập sâu về việc đào tạo và cập nhật các kiến thức, bởi đây là điều kiện bắt buộc phải có khi thực hiện công việc. Có một điểm cần lưu tâm: năng lực của con người. Đó là một nguồn lực rất đặc biệt. Nó không như công suất một cái máy, khó có thể xác định rõ công suất tối đa hay tối ưu là bao nhiêu. Theo thời gian, nếu được “chăm sóc” chu đáo, năng lực này sẽ càng ngày càng phát triển; còn nếu không có thể giậm chân tại chỗ hoặc thui chột. Chăm sóc ở đây phải được hiểu là sự quan tâm, tưởng thưởng cả về vật chất lẫn tinh thần, nôm na là cả phần “xác” lẫn phần “hồn”. Các doanh nghiệp Việt Nam thường hay bị vướng ở khâu này. Lương cao chưa chắc đã giữ được người tài, nhưng có một điều gần như chắc chắn nếu đãi ngộ không thỏa đáng thì sớm muộn gì họ cũng sẽ ra đi. Một số doanh nghiệp chăm lo tốt phần “xác” nhưng lại lơi là phần “hồn”, kết quả người tài cũng không hứng khởi làm việc và sáng tạo, khó có sự đột biến trong công việc.

Chúng ta không thể biết được khả năng của bản thân và đồng nghiệp như thế nào, nếu như không một lần cố gắng và nỗ lực tối đa. Nếu chưa cố gắng hết mình, đừng vội kết luận về năng lực của bản thân mình hoặc của đội ngũ. Muốn vậy phải tận dụng tối đa mọi cơ hội để có thể thử sức năng lực. Dũng cảm xung phong nhận nhiệm vụ mới. Sẵn sàng ứng cử vào một công việc phát sinh đầy thách thức và khó khăn. Hãy luôn nung nấu trong người câu hỏi “Tại sao không” khi nghĩ về một ý tưởng mới, một cách đi mới. Nỗ lực hết mình, tìm đủ mọi cách để không phải nuối tiếc khi không thực hiện được. Tự tin vào khả năng thực hiện của bản thân mình, của doanh nghiệp mình. Tất cả đều phải trở thành lối sống, quan điểm, cách suy nghĩ của tất cả thành viên công ty. Hãy luôn vun đắp và xây dựng tinh thần này trong doanh nghiệp, nhất định khả năng thành công sẽ lớn hơn rất nhiều.

Sự khác biệt giữa những người thành công và thất bại chính ở những thói quen của họ. Hãy tập cho mình thói quen luôn đặt câu hỏi “Tại sao không” khi nghĩ về một ý tưởng kinh doanh mới, một suy nghĩ lạ hay một cách thực hiện khác. Tại sao lại không nhỉ ?
           

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top