“ Kinh doanh là một cách thể hiện trách nhiệm công dân”


Tôi còn nhớ lần gặp trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, gương mặt anh rất rạng rỡ. Như rất nhiều doanh nhân khác, anh vui vì giới mình đã có một ngày truyền thống, vì xã hội đã có một cái nhìn công tâm về những con người luôn khát khao làm giàu cho bản thân và xã hội. Và anh “ định nghĩa”: “ Kinh doanh là cuộc chơi của trí tuệ và lòng can đảm”…

·    Là tổng giám đốc một công ty liên doanh khi tuổi đời còn khá trẻ, anh có chịu áp lực nhiều không?

Tôi đã quen với áp lực cao ngay từ khi còn là sinh viên du học ở Nga. Trường tôi học là một học viện kỹ thuật danh tiếng trong khối XHCN lúc đó nên chương trình học và kỷ luật rất nghiêm. Và chính môi trường sống và làm việc ấy đã dạy tôi biết cách tư duy logic, biết xem xét và giải quyết vấn đề một cách hệ thống bằng cái nhìn toàn cục. Trở về Việt Nam cuối năm 1997, tôi bắt đầu làm quen với công tác quản lý từ chức danh Phó Giám đốc phụ trách tài chính của công ty TNHH Foodtec – tiền than của Công ty liên doanh công nghiệp Masan (trực thuộc tập đoàn Quốc tế Masan). Lúc này, công ty cũng mới thành lập được một năm nên vừa phải xây dựng nhà máy, chúng tôi vừa phải đào tạo nhân viên. Bản than tôi cũng vừa làm quản lý, vừa cắp sách đi học ngành quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Việc mạnh dạn ứng dụng những kiến thức học được từ nhà trường vào thực tế công ty đã giúp tôi từng bước hoàn thành nhiệm vụ. Để làm tốt công việc được giao, một nhân viên bình thường cũng phải chịu nhiều áp lực, huống hồ là “sếp”. Để tránh stress, tôi tập thói quen ngắt mạch suy nghĩ cũ trước khi bước sang một công việc mới. Đã về nhà là tôi không nói chuyện công ty. Với tôi, giải quyết vấn đề nhanh gọn, tập trung vào những điểm then chốt, giao việc, ủy quyền cho nhân viên cũng là cách giảm tải số lượng công việc và áp lực hiệu quả.

·    Là một thương hiệu mới, nhưng mì ăn liền và hạt nêm Chinsu đã có chổ đứng nhất định trên thị trường. Theo anh, có được thành công này là do đâu?
Do tinh thần hợp tác cùng phát triển, cố gắng dung hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và đối tác, giữa công ty và người lao động, khát vọng chiến thắng cộng với tinh thần dân tộc. Trước đây, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu (Liên bang Nga và các nước đông Âu), nhưng từ cuối 2002, đầu 2003 đã bắt đầu bán ra thị trường nội địa. Chúng tôi học hỏi, tham khảo và cập nhật các mô hình, cách làm, cách suy nghĩ của các công ty thành công, cả những công ty nước ngoài, nhưng không “ sao y bản chính”

·    Thuộc thế hệ doanh nhân được đào tạo bài bản, anh quan niệm như thế nào về đạo đức kinh doanh? Về trách nhiệm công dân của một doanh nhân?
Sống ở nước ngoài nhiều năm, tôi hiểu và nhận thức rất rõ nỗi buồn của người dân nước nghèo, kinh tế chậm phát triển. Nhưng cũng chính nỗi buồn đó kết hợp với lòng tự hào dân tộc đã chuyển hóa thành khát vọng muốn vươn lên trên, muốn làm một điều gì đó cho bản than, gia đình và đất nước. Trong sự cạnh tranh như hiện nay, kinh doanh đã thực sự là cuộc chơi của trí tuệ và lòng quả cảm. Tôi nghĩ, càng ngày sẽ càng ít dần đi kiểu kinh doanh chụp giật, lừa lọc. Đạo đức kinh doanh là điều không thể thiếu với mỗi doanh nhân. Anh có thể thất hứa, nhưng sau đó đừng hy vọng người ta tin anh nữa. Mà đã không tin thì làm sao hợp tác? Khi chọn nghiệp kinh doanh, là khi mỗi doanh nhân đã góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Và đây cũng là cách để chúng tôi thể hiện trách nhiệm công dân của mình thiết thực nhất.

·    Anh có thể nói gì về điểm mạnh và điểm yếu của các doanh nhân Việt Nam hiện nay? Và theo anh, điều gì cần phát huy, điều gì cần thay đổi?
Điểm mạnh nổi bật của các doanh nhân Việt Nam, theo tôi, chính là khả năng nhạy bén trong kinh doanh. Họ rất giỏi khi điều hành một công ty ở quy mô vừa (khi mà sự linh động và nhạy bén của cá nhân người lãnh đạo luôn cho hiệu quả tối đa). Còn điểm yếu lớn nhất, đó chính là kỹ năng quản trị, là khả năng liên kết, tập hợp người tài. Khi công ty ở quy mô nhỏ, các vấn đề nằm trong tầm kiểm soát của một mình giám đốc, nhưng theo thời gian, quy mô công ty sẽ phát triển lên. Khi ấy, yêu cầu chuyên sâu, chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực cần thiết hơn bao giờ hết. Để gia tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cần khắc phục nhanh những điểm yếu này. Theo tôi được biết, hiện tại cũng đã có một số công ty đang từng bước thay đổi, mở rộng cánh cửa, chia sẽ quyền điều hành, quyền sở hữu để thu hút người tài và bước đầu đã thành công.

·    Thế còn với riêng công ty anh thì sao? Bí quyết “ điều binh” của anh là gì?
Chúng tôi luôn đánh giá cao những người có khả năng tư duy sáng tạo, không theo lối mòn, đam mê trung thực, chính trực. Là một tổng giám đốc, tôi phải đối diện với những vấn đề cần giải quyết. Nếu dung từ “bí quyết” thì cách quản lý nhân sự của tôi là tìm đúng người, giao đúng việc. Chỉ có như vậy mới phát huy hết điểm mạnh của nhân viên và khích lệ khả năng sáng tạo của họ.

·    Mười một năm ở Nga, điều gì đọng lại trong anh nhiều nhất? Anh học được điều gì ở “tính cách Nga”?
Tôi nhớ nhất là những người thầy Nga, đặc biệt là thầy hướng dẫn luận án tốt nghiệp. Khi tôi vừa bảo vệ xong luận án, thầy bắt tay tôi và nói rằng “từ nay chúng ta đã là đồng nghiệp”. Thầy luôn coi trọng ý kiến riêng của chúng tôi, không bao giờ áp đặt, luôn khuyến khích chúng tôi sáng tạo. Thầy cũng dạy tôi muốn giải quyết vấn đề một cách rốt ráo phải có cái nhìn toàn cục. Tôi còn nhớ như in câu chuyện về một người bạn học ngành nhà máy điện nguyên tử. Cậu ấy rất thông minh, nhưng chỉ tội lười, hay trốn làm thí nghiệm để ở nhà ngủ. Kết quả là không đủ điều kiện để thi, dù đã học đến năm thứ tư. Sự nghiêm khắc của thầy dạy bộ môn đã cho tôi một bài học: Trong mỗi công việc đều đòi hỏi tính kỷ luật. Sau này, khi đã là doanh nhân tôi càng thấm thía bài học này.

·    Có lần nghe anh nói, anh vốn xuất thân từ dân kỹ thuật, tình cờ đi làm kinh doanh, nhưng giờ đây dường như khát vọng làm giàu đang là khát vọng lớn nhất của anh?
Khởi đầu là như vậy, nhưng càng gắn bó, tôi càng thấy mình “có duyên” với nghề quản trị . Ở đó tôi vừa tìm thấy sự logic của toán học, vừa tìm thấy sự uyển chuyển, sáng tạo của nghệ thuật ứng xử. Ai đó đã từng nói rằng đời người đàn ông có 3 điều sung sướng nhất. Đó là được làm công việc mình thích, kiếm được tiền từ công việc đó và lấy được người mình yêu. Tôi muốn làm giàu và mong muốn sẽ làm giàu bằng chính nghề quản trị.

·    Không chỉ tích cực tham gia sinh hoạt ở Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM, câu lạc bộ 2030…anh còn tham gia viết báo, nhất là trên những diễn đàn dành riêng cho  những người quản lý. Anh đã tìm được gì từ những công việc phi…kinh doanh đó?
Những mối quan hệ thân thiết, những lời khuyên, lời góp ý chân tình khi tôi gặp khó khăn. Tôi quan niệm người lãnh đạo không chỉ là người biết việc, hiểu việc mà còn phải nói được, viết được. Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn, đại ý thế này: nếu tôi có một quả táo, anh có một quả táo, nếu chúng ta trao đổi cho nhau thì anh và tôi cũng vẫn chỉ sở hữu một quả táo. Nhưng nếu anh có một ý tưởng, tôi có một ý tưởng và hai chúng ta trao đổi cho nhau thì mỗi người sẽ có hai ý tưởng. Kiến thức là một thứ “ tài sản” rất đặc biệt, khi chia sẻ, nó không hề mất đi mà còn được nhân lên nhiều lần.

Xin cảm ơn anh!

Bài và ảnh: Kim Dung
“ Khi chọn nghiệp kinh doanh, là khi mỗi doanh nhân đã góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Và đây cũng là cách để chúng tôi thể hiện trách nhiệm công dân của mình thiết thực nhất.”


 
Top