Nguyễn Tân Kỷ
Thứ Năm,  8/7/2010, 12:33 (GMT+7)











Nữ cổ động viên đến từ Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
(TBKTSG) - World Cup 2010 chỉ còn vài trận đấu nữa là kết thúc. Để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất đến thời điểm này không phải là lối chơi hay sự tỏa sáng của các ngôi sao được nhiều người kỳ vọng mà là màu sắc. Quả thực đây là một kỳ World Cup rực rỡ nhiều sắc màu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Lần đầu tiên vòng chung kết được tổ chức tại châu Phi - lục địa đen, nơi người dân rất ưa chuộng những màu sắc rực rỡ. Bắt đầu từ lá quốc kỳ Nam Phi, chắc ít có quốc gia nào trên thế giới mà lá quốc kỳ có nhiều màu đến vậy. Rồi biểu tượng của World Cup cũng rất vui mắt với sáu, bảy sắc màu.
Xem các trận bóng, chúng ta thường bắt gặp trên khán đài hình ảnh các cổ động viên châu Phi với trang phục đủ màu luôn ca hát, nhảy múa, còn dưới sân là hình ảnh trái bóng chính thức của giải đấu Jabulani với 11 sắc màu đại diện cho số cầu thủ trong một đội bóng đang bay lượn trong tiếng kèn vuvuzela.
Ngoài những sắc màu trang phục đã quen thuộc của các đội bóng mạnh châu Âu và Nam Mỹ, World Cup 2010 thêm một lần nữa đưa những sắc áo rực rỡ của các đội tuyển lục địa đen đến gần với người hâm mộ bóng đá hơn. Như màu xanh lá cây của đại bàng Nigeria, hay cũng màu xanh lá nhưng sậm hơn một chút là màu áo của các sư tử Cameroon, màu vàng rực rỡ của Bafana Bafana nước chủ nhà Nam Phi…
Kết thúc vòng đấu bảng, 16 đội bóng đã phải nói lời chia tay lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong 16 đội bóng giành quyền đi tiếp vẫn là những sắc màu quen thuộc: vàng xanh của Brazil, sắc cam chói chang của xứ sở hoa tulip, màu đỏ của những dũng sĩ đấu bò Tây Ban Nha…
Có một màu đỏ khác nhưng không phải màu đỏ của Đan Mạch hay Thụy Sỹ như nhiều người dự báo mà là màu đỏ của Hàn Quốc. Cũng có cả màu xanh nhưng nào phải xanh da trời của nhà đương kim vô địch thế giới, càng không phải màu xanh lam của những chú gà trống Gô-Loa mà đó chính là màu áo xanh của các chàng trai xứ sở mặt trời mọc - Nhật Bản.
Cả hai đại diện châu Á đã vượt qua vòng đấu bảng để lọt vào vòng 16 đội một cách đàng hoàng. Cái đáng mừng của bóng đá Nhật, Hàn là thành tích lần này không có yếu tố sân nhà như kỳ World Cup cách nay tám năm mà là cách hai đội bóng này thi đấu đã gây được ấn tượng đẹp. Hàn Quốc đã rũ bỏ được biệt danh “võ sĩ taekwondo” do cách đá rắn và không ngại phạm lỗi, thay vào đó là sự thể hiện của một đội ngũ có thể lực sung mãn và ý chí quyết tâm đến phút chót.

Cổ động viên trong sắc áo xanh của đội tuyển bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Ảnh: Reuters.
Nhật Bản đã không còn là cậu bé yếu ớt trên sân chơi World Cup. Sau nhiều năm theo đuổi, người Nhật đã học được cách chơi bóng kỹ thuật của Brazil kết hợp với sự chặt chẽ vốn là bản tính của người Nhật. Vì thế bóng đá Nhật hôm nay không còn là kẻ lót đường hay trong vai người đóng thế.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc tại World Cup 2010 đều sử dụng các huấn luyện viên nội. Chắc hẳn không phải vì liên đoàn bóng đá hai quốc gia này không đủ tiền thuê huấn luyện viên ngoại cho đội tuyển con cưng của mình mà vì họ đã có con người đủ năng lực dẫn dắt đội bóng. Và thực tế đã chứng minh. Tuy chưa thể sánh với thành tích của các chiến lược gia châu Âu hay Nam Mỹ khác, nhưng những gì mà hai vị huấn luyện viên Nhật Bản và Hàn Quốc làm được với đội tuyển nước mình tại World Cup lần này xứng đáng để mọi người thán phục.
World Cup 2010 vẫn đang tiếp diễn với những trận đấu gay cấn cuối cùng. Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã phải dừng bước trước ngưỡng cửa vòng tứ kết, nhưng những gì mà hai đại diện châu Á đã thể hiện tại World Cup lần này thật đáng tự hào. Họ đã có những trận đấu ngang tài ngang sức với các đại diện đến từ Nam Mỹ.
Hàn Quốc chỉ chịu thúc thủ với cách biệt một bàn vì sự tỏa sáng và may mắn của một ngôi sao đội Uruguay, còn Nhật Bản cũng đã mấy phen làm thót tim các cổ động viên Paraguay. Các cầu thủ áo xanh đã chiến đấu ngoan cường, ăn miếng, trả miếng trong suốt 120 phút và chỉ cần gặp may trong loạt đá luân lưu 11 mét, họ đã có tên trong tám đại anh hào của vòng chung kết bóng đá thế giới lần thứ 19 này.
Tuy không thể đi sâu hơn nhưng họ vẫn có thể ngẩng cao đầu và xứng đáng được đón tiếp như những người hùng tại quê nhà. Đó chính là kết quả của chiến lược phát triển bóng đá chuyên nghiệp dài hạn và bền vững mà hai quốc gia này đã theo đuổi hơn 30 năm qua.
Niềm tin, sự hy vọng có lẽ không chỉ dừng lại ở biên giới hai quốc gia Đông Á mà còn lan tỏa ra toàn châu lục, nơi tuy đông dân nhất nhưng vẫn bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Sắc màu châu Á tại World cup 2010 sẽ còn rực rỡ trong lòng những người hâm mộ bóng đá châu Á và cả Việt Nam. Nếu biết cách làm, biết đâu một ngày nào đó, màu áo đỏ của Việt Nam sẽ góp phần điểm tô cho sắc màu World Cup thêm phần rực rỡ…


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top