(TBKTSG) - Jose Mourinho một lần nữa bước lên bục vinh quang  tại đấu trường châu Âu cấp câu lạc bộ. Đây là lần thứ hai vị huấn luyện viên đầy cá tính này đưa đội bóng của mình lên ngôi vô địch. Có rất nhiều ý kiến, lời bình về tính cách của ông, nhưng có một sự thật không ai có thể chối bỏ, đó là tài năng của ông. 

Và chính tài năng này đã làm nên sự khác biệt giữa ông và những huấn luyện viên khác. Báo chí, các bình luận viên thể thao đều nhất trí gọi chiến thắng của Inter Milan lần này là chiến thắng của Inter Mourinho.

Chỉ có đội bóng ngôi sao, không có cầu thủ ngôi sao

Nhìn lại lịch sử đội bóng quốc tế thành Milan, Inter trong những năm gần đây luôn dẫn đầu tại giải vô địch quốc gia. Nếu tính cả chức vô địch mùa giải này đã là lần thứ 5 liên tiếp Inter đứng đầu bảng xếp hạng Seria A. Thế nhưng, tại đấu trường châu lục, đội bóng quốc tế này vẫn chỉ như một chú bé con tham gia theo kiểu “học hỏi là chính”.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, một nửa thành Milan mới được nếm trải lại cảm giác ngọt ngào của chiến thắng, của chức vô địch. Và đội bóng của Mourinho chính là nhân vật chính cho ngày trở lại vinh quang này.

Vượt qua Chelsea của nhà cầm quân tài năng Ancelotti tại tứ kết, rồi Barcelona của thiên tài Messi trong trận bán kết và cuối cùng là chiến thắng trong trận chung kết với Bayer của “vua Louis” - người thầy của chính Mourinho 14 năm trước, Inter lên ngôi vô địch.

Những người yêu bóng đá tấn công của Chelsea, Barcelona hay Bayer có thể không thích cách Inter đánh bại đội bóng thân yêu của họ, nhưng có một điều họ không thể phủ nhận là dù chỉ nắm quyền kiểm soát bóng 36-40% thời gian thi đấu nhưng chính các cầu thủ Inter mới là người cầm chịch trận đấu, họ đã không cho các đội bóng đối thủ cơ hội xuyên thủng cầu môn của họ bằng một thứ bóng đá kỷ luật, chắc chắn và hiệu quả mang tên Mourinho.

Không phải là Inter không biết tấn công, nhưng nếu để đua tấn công thì dàn sao của Inter hiện không thể so được với dàn sao của Barca hay Chelsea. Cái mà Inter hơn đó là tính đồng đội và kỷ luật. Theo quan điểm của Mourinho, đội bóng sẽ không có cầu thủ ngôi sao, kể cả huấn luyện viên, mà chỉ có ngôi sao tập thể, ngôi sao đội bóng.

Nhìn cách Inter đá bóng mới thấy dấu ấn của Mourinho đến những cầu thủ lớn như thế nào. Trong trận chung kết Champions League 2009-2010 diễn ra vào cuối tuần qua, người xem thấy được thấy một Eto hoàn toàn khác. Anh không còn là một tiền đạo cắm quen thuộc mà là một tiền vệ cánh cần mẫn, hoạt động không mệt mỏi khi lùi về cản phá các đợt tấn công, khi chạy biên kiến tạo bóng cho đồng đội. Chính anh là người chuyền bóng cho Milito ghi bàn thắng thứ hai kết thúc mọi nỗ lực san bằng cách biệt của Bayer.

Có thể có ai đó không thích cá tính của Mourinho, không ưa những lời phát biểu kiêu căng có phần ngạo mạn, nhưng tất cả đều phải thừa nhận tài năng của ông, kể cả những huấn luyện viên đã từng đấu khẩu không khoan nhượng với ông. Mourinho là một con người đặc biệt. Ở khía cạnh quản trị, ông có đầy đủ các tố chất là một nhà quản lý tài ba.


Vì sao Mourinho thành công?

Đó là khả năng phát hiện tài năng và năng lực tiềm ẩn: ông thường phát hiện và tiếp nhận những cầu thủ chưa mấy tên tuổi, đào tạo họ trở thành những cầu thủ lớn. Trong quãng đời sự nghiệp của mình, ở góc độ tập thể, ông đã đưa Porto, một đội bóng tầm trung tại châu Âu, đoạt ngôi vị cao nhất tại châu lục. Tại Anh, ông đưa Chelsea trở thành một thế lực mới không chỉ trong nước mà còn trên đấu trường châu Âu. Và mới đây, ông đã đưa Inter lên ngôi tại đấu trường Champions League chỉ sau hai năm nắm quyền chỉ đạo. Chính ông là người giới thiệu với thế giới những cầu thủ như Terry, Lampard hay Drogba của Chesea mà nay những cầu thủ này đã là trụ cột của câu lạc bộ và các đội tuyển quốc gia.

Mùa hè năm ngoái, chính ông đã nhìn thấy khả năng tiềm ẩn của tài năng Milito khi quyết định đưa anh về và bán ngôi sao thượng thặng của Inter lúc đó là Ibrahimovic để có chỗ cho Milito trên hàng công. Chính Milito là người hùng của Inter trong mùa bóng này và không loại trừ khả năng anh sẽ thành công hơn nữa vào tháng 6 tới đây tại World Cup tổ chức ở Nam Phi trong màu áo đội tuyển Argentina.

Công việc yêu thích và quan trọng của một nhà quản lý là tìm đúng người làm đúng những việc cần làm. Khả năng này của Mourinho rất đặc biệt và rõ ràng. Trận chung kết vừa qua ông đưa Eto từ vai trò tiền đạo cắm xuống thành tiền vệ cánh lùi sâu bên sân nhà đã làm cho hàng thủ Bayer bối rối. Bỏ hẳn thì không ổn, vì khả năng chớp thời cơ ghi bàn của Eto không còn là điều phải bàn cãi, còn nếu tập trung thì phải chia sẻ mối quan tâm với Milito và kết cục ra sao chúng ta đã thấy rõ.

Người ta vẫn thường nói khả năng đọc trận đấu và các quyết định thay người chuẩn xác của Mourinho đã làm thay đổi cục diện nhiều trận đấu. Điều này chứng tỏ ông hiểu năng lực, khả năng của từng cầu thủ tại từng thời điểm đến mức độ nào. Đó cũng chính là năng lực mà bất kỳ vị giám đốc - nhà quản lý nào cũng mong muốn có được.

Mourinho còn là người có khả năng kết hợp đội ngũ, động viên đúng lúc để đội ngũ đó luôn có tính chiến đấu cao nhất. Một đội bóng muốn thành công luôn cần có những nhân tố xuất sắc, nhưng người tài thường hay có tật. Mourinho là người biết bắt bệnh, trị các “ngôi sao” rất giỏi, chẳng vì thế mà khi ông rời Chelsea, một loạt cầu thủ ông dẫn dắt ngỏ ý sẵn sàng theo nếu ông cần, hay như hiện nay các ngôi sao ở Inter khi nghe phong thanh ông sang Real Madrid cũng đã đánh tiếng đi theo nếu ông gọi. Nhìn cảnh Terry, Drogba, Lampard bùi ngùi chia tay Mourinho khi ông rời Chelsea đủ thấy tầm ảnh hưởng của ngài “giám đốc” này lên các “nhân viên” của mình lớn như thế nào.

Mourinho kiên quyết trị bệnh sao, nghiêm trị những trường hợp đặt quyền lợi cá nhân cao hơn tập thể, kết nối mọi người vì mục tiêu chung của đội. Ông biết cách động viên, duy trì lửa cho đội ngũ của mình, đôi khi những lời phát biểu khó nghe của Mourinho cũng nhằm tăng độ “máu lửa” và động viên các cầu thủ. Ngày đầu khi đến Chelsea, ông đã “khích” các cầu thủ bằng tuyên bố: trong cuộc đời sự nghiệp của tôi đã có đủ các danh hiệu (vô địch quốc gia, vô địch châu Âu) còn các bạn chưa có gì, tôi đến đây để giúp các bạn có được những danh hiệu đầu tiên cho sự nghiệp của mình.

Để đưa Inter, đội bóng được coi là “khôn nhà, dại chợ” lên ngôi tại châu Âu, ông không những phải chuẩn bị lực lượng bổ sung, những nhân tố để thực hiện triết lý bóng đá của mình mà hơn thế nữa, ông còn truyền được sự tự tin, không bị choáng ngợp cho các cầu thủ của mình trong những giải đấu lớn như Champions League.

Mourinho còn nổi bật ở khả năng tư duy chiến lược và chiến thuật hợp lý. Mọi người đều nói triết lý bóng đá của Mourinho là phòng ngự, phản công. Cái quan trọng của Mourinho là tùy từng thời điểm, từng đối thủ mà ông đưa ra các đấu pháp, chiến thuật khác nhau. Trong một trận đấu không phải ông chỉ duy trì một chiến thuật duy nhất mà thay đổi từng thời điểm, từng thế trận. Chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa ông và những người đồng nhiệm khác. Chúng ta đã từng được chứng kiến đội bóng của Mourinho thay đổi và làm chủ lối chơi khiến các đối thủ rơi vào thế bế tắc. Kiểm soát bóng nhiều hơn, sút bóng nhiều hơn nhưng cuối cùng vẫn thúc thủ. Đó là tình cảnh chung của các đối thủ của Inter tại các vòng loại trực tiếp Champions League năm nay.

Nhìn các đối thủ của Inter thi đấu chúng ta thấy dường như họ không còn là chính họ, không còn được thấy một Xavi tài hoa, một Messi huyền ảo hay một Robben bùng nổ nữa, tất cả đều đã bị các cầu thủ Inter khắc chế. Đó chính là nhờ công rất lớn của Mourinho, ông đã nhìn ra những điểm yếu của những người khổng lồ và các cầu thủ Inter đã thực hiện đúng những gì ông yêu cầu và họ đã trở thành người chiến thắng, những nhà vô địch mới của châu Âu.

Những người cho rằng bóng đá là một môn nghệ thuật đã e ngại rằng những tính toán thực dụng kiểu Mourinho sẽ làm mất đi vẻ đẹp của bóng đá. Thế nhưng, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, bản thân tư duy chiến lược, những phân tích chặt chẽ, đấu pháp chiến thuật khoa học, hợp lý, tất cả những điều này nếu thực hiện ở đẳng cấp cao đều là nghệ thuật. Và nghệ thuật này luôn đặt tính hiệu quả lên hàng đầu. Phải chăng đó chính là sự khác biệt của “người đặc biệt”.


Nguyễn Tân Kỷ,

TBKTSG, số 22 - 2010

 
Top