Tại kỳ Seagames 25 vừa rồi, đòan thể thao Việt nam đọat 83 huy chương vàng vững vàng ở vị trí thứ hai chỉ thua Thái lan 3 huy chương vàng và bỏ xa nước đứng thứ ba là Indonesia đến 40 huy chương vàng.

Thành tích này vượt xa mục tiêu ban đầu đưa ra với mong muốn đạt 70 huy chương vàng và hy vọng nằm trong Top 3 thể thao khu vực. Phần đông mọi người đều rất vui mừng vì thành tích và sự tiến bộ của thể thao Việt nam, nhưng có một số ý kiến cho rằng tại sao chúng ta không dám đặt mục tiêu Số 1 hay chí ít cũng là đứng thứ hai tòan đòan khi mà theo thông tin của các bình luận viên, khả năng đạt trên 80 huy chương vàng cũng đã được giới chuyên môn, các trưởng đòan tính đến, nhưng với bản tính chắc ăn nên khi công bố chỉ đưa mục tiêu khiêm tốn như vậy.


Cẩn thận là cần thiết nhưng có nên như vậy khi đặt mục tiêu không ? Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi, có ý kiến cho rằng nếu đặt mục tiêu cao quá không đạt được thì “quê”, mất nhuệ khí, lại còn bị điềm “nói trước bước không qua” nữa, ngược lại có ý kiến cho rằng nếu đặt mục tiêu mà biết chắc chắn đạt được như lấy đồ trong túi sẽ không còn ý chí phấn đấu, dễ sinh nhàm chán và quan trọng hơn là mất đi cơ hội đột phá. Vậy nên như thế nào, có giải pháp nào “tích hợp” được các mặt tích cực của hai chiều hướng kia không ?

Trong công việc nếu chúng ta chỉ đặt những mục tiêu kiểu tăng hay giảm 10-15% sẽ rất khó có những giải pháp đột phá mang tính cách mạng, vì đơn giản thông thường với những mục tiêu kiểu như vậy bằng sự phát triển cơ học, cố gắng một chút, nỗ lực một chút chắc sẽ có nhiều khả năng đạt được. Con người là lòai động vật cao cấp nhất trong các lòai động vật nhờ có trí thông minh. Trí thông minh kết hợp với bản năng sinh tồn giúp cho lòai người có được những bước tiến vượt bậc. Khi chúng ta bị dồn đến chân tường, không còn chỗ lùi thường sẽ nảy sinh những lối thóat, những giải pháp mang tính cách mạng. Tương tự cũng vậy nếu chúng ta đặt những mục tiêu “nhẹ nhàng”, trí não sẽ không được kích thích phải suy nghĩ theo cách khác, mà thường sẽ chỉ là suy nghĩ làm tốt hơn theo cách hiện tại. Ngược lại nếu chúng ta đặt những mục tiêu cực kỳ thách thức, ngay cả khi đặt ra chúng ta cũng chưa biết thực hiện điều đó như thế nào, chỉ có một niềm tin và suy nghĩ logic sự việc sẽ phải như vậy thì chúng ta bắt buộc phải động não để tìm hướng đi mới, cách giải mới đơn giản là vì theo cách cũ chắc chắn sẽ thất bại không đạt được.

Chỉ có những mục tiêu thách thức mới có nhiều cơ hội có được những giải pháp mang tính bước ngoặt. Nếu thể thao Việt nam nói chung hay bóng đá nam Việt Nam nói riêng dám đặt mục tiêu vượt qua Thái lan chiếm ngôi số 1 Đông Nam Á, chúng ta bắt buộc phải có những hướng đi, cách tiếp cận khác chứ không chỉ như cách làm bây giờ là tìm kiếm 1 huấn luyện viên ngọai có chuyên môn am hiểu bóng đá Việt nam và khu vực rồi hy vọng sau 1-2 năm sẽ cho ra lò 1 đội tuyển để tất cả đều hy vọng, rồi sau đó lại tiếp tục ôm nỗi thất vọng. Với những mục tiêu “nhẹ nhàng” bản tính con người sẽ lại đưa chúng ta vào con đường cũ, cố gắng cải thiện một chút, giảm chi phí một chút, bán hang tăng lên 1 tí để đạt chỉ tiêu và rồi tất cả đều vui vẻ vì đã đạt mục tiêu. Chính cách đặt mục tiêu kiểu này sẽ làm thui chột đi khả năng bứt phá, rất khó có được những bước chuyển mình và tất nhiên nếu cơ hội kinh doanh lần lượt qua đi sẽ rất khó có lại được.

Nhưng làm thế nào nếu như mục tiêu thách thức cao quá, đội ngũ đã tìm mọi cách nhưng vẫn không đạt được sẽ không bị cảm giác chán nản. Đây quả là một vấn đề không dễ dàng mà chúng ta đã đề cập ở trên. Một giải pháp hòan hảo vẫn chưa có được, ở đây xin chỉ đề cập đến cách hiện đang áp dụng hiệu quả trong một số lĩnh vực nhất là thể thao khi mà thành tích luôn được đặt trên hang đầu. Khi đặt mục tiêu sẽ có ít nhất hai hay nhiều hơn mục tiêu, mục tiêu tối thiểu và mục tiêu tối đa. Mục tiêu tối đa đó là mục tiêu cực kỳ thách thức, mục tiêu mà bắt buộc cả đội ngũ phải vắt óc, vắt sức mà thực hiện mới có cơ hội đạt được. Còn mục tiêu tối thiểu chính là mục tiêu cũng vẫn có yếu tố thách thức nhưng thấp hơn và quan trọng hơn đây chính là mục tiêu cam kết, mục tiêu sống chết cũng phải đạt được. Và tất nhiên cả đội ngũ đều được hướng vào mục tiêu thách thức và chiến đấu vì mục tiêu này. Tất cả đều hiểu có chiến đấu vì mục tiêu này mới có khả năng đạt hoặc đạt cao hơn mục tiêu cam kết, còn nếu nhắm vào mục tiêu tối thiểu thì e rằng hơn 50% sẽ không đạt được do “sức ì” của bộ não con người và vô vàn chữ “ngờ” trong kinh doanh mà chúng ta không lường trước được.

Tất nhiên đi kèm với mỗi mục tiêu là một phần thưởng. Sự khác biệt giữa phần thưởng cho mục tiêu cam kết và mục tiêu thách thức phải là rất khác biệt, chính sự khác biệt này sẽ tạo động lực để tất cả nhắm tới mục tiêu cao nhất. Chúng ta hãy nhìn sự khác biệt giữa giải nhất và nhì trong các môn thể thao như đấm bốc, quần vợt, đua xe thể thức 1, bóng đá… sẽ cảm nhận được điều này. Có thể xét ở khía cạnh nào đấy điều này không được công bằng lắm do tất cả đều đã nỗ lực và đều vất vả, nhưng nếu xét ở góc độ kinh doanh điều này lại rất fair – rất công bằng, Lợi ích doanh nghiệp có được khi đạt mục tiêu tối đa so với khi chỉ đạt mục tiêu tối thiểu là không nhỏ, nên phần thưởng dành cho những người tham gia đạt mục tiêu tối đa cũng cần phải tương xứng với kết quả mang lại, như vậy mới tạo được động lực cho đội ngũ trên những chặng đường tiếp theo.

Nếu như trước Seagames 25 đòan thể thao Việt nam đặt ra mục tiêu thách thức là hạng nhất tòan đòan còn mục tiêu tối thiểu chiếm hạng ba và tất cả các vận động viên đều nhắm về mục tiêu Số 1 thì biết đâu kết quả bảng tổng sắp huy chương đã khác rồi !

Hãy dám đặt những mục tiêu thách thức, sẽ có được những giải pháp đột phá.


Nguyễn Tân Kỷ
TBKTSG, số 10 - 2010


 
Top