Đặt mình vào vị trí người
khác không phải chỉ để giải quyết sự việc cho
có tình, có lý…
Mỗi năm cứ vào dịp tết đến
là các công ty sản xuất lại một phen khốn đốn về chuyện công nhân đồng loạt xin
nghỉ phép về quê ăn Tết. Có quản đốc do sức ép đơn hàng vào dịp cuối năm lớn
quá mà lượng công nhân rục rịch về quê ăn tết không phải là ít, bèn thông báo “năm
nay nhà máy không cho nghỉ phép về Tết”. Kết quả là ngay hôm sau có hơn chục công nhân bỏ việc không
đi làm, số khác tử tế hơn vào nộp đơn nghỉ việc cho có lệ. Trong những trường
hợp như thế nếu doanh nghiệp giải quyết chấp nhận cho họ về phép thì đã có thể giữ
được người, sau Tết đỡ phải tốn công tuyển dụng đào tạo người mới.
Trong công việc hàng ngày,
chúng ta gặp không ít những cảnh bức xúc từ phía nhân viên do họ nghĩ rằng sếp
không hiểu mà toàn áp đặt, gây áp lực quá sức… Thường chỉ khi sự việc xảy ra rồi,
chúng ta mới rút được bài học kinh nghiệm. Sự việc thì muôn hình muôn vẻ, đâu
lần nào giống lần nào, con người thì mỗi người mỗi tính nết, mỗi suy nghĩ, nên
nhà quản lý khó có thể “copy” nguyên xi cách xử trí lần trước cho lần sau. Một trong những phương pháp hiệu quả và phổ biến trong trường hợp này
là đặt mình vào hoàn cảnh của nhân viên và tập suy nghĩ, tu duy như họ. Nghĩa là
thử biến mình trong 1 khoảnh khắc là đối tượng mà chúng ta cần làm việc, cần
thuyết phục hay cần giao nhiệm vụ. Nói thì đơn giản vậy, nhưng không phải dễ thực
hiện vì điều này đi ngược lại bản năng của con người.
Làm những gì ngược với bản năng của con người luôn là điều khó khăn.
Chỉ có một cách duy nhất là thường xuyên rèn luyện để nó trở thành một kỹ năng
quen thuộc mà thôi. Kinh nghiệm cho thấy, khi một lỗi hay sự cố xảy ra, ngoài
việc truy tìm nguyên nhân, tìm ngay cách khắc phục hậu quả, rồi mới suy xét trách
nhiệm cá nhân, bộ phận nào gây ra lỗi, có một việc khá quan trọng chính là tìm
hiểu tư duy logic của người gây ra lỗi. Trong các trường hợp như vậy, nếu chúng
ta chỉ dừng lại ở công đoạn xử lý kỷ luật,
ngay cả sau khi người phạm lỗi tâm phục khẩu phục chấp nhận, sẽ không có
gì đảm bảo rằng lần sau sẽ không xảy ra sự cố nữa. Điều cần thiết là cùng nhân
viên tìm hiểu cặn kẽ, gốc rễ nguyên nhân của vấn đề và qua đó hiểu được phương
pháp tư duy của họ. Chính qua việc tìm hiểu này, ngoài việc phân tích giúp cho
nhân viên thấy được cái sai để lần sau không mắc phải, còn giúp lãnh đạo hiểu được
cách suy nghĩ của nhân viên mình.
Hiểu được cách suy nghĩ của nhân viên sẽ giúp cho lãnh đạo dự phòng những nguy cơ có thể xảy ra và có những cảnh báo kịp thời. Nhân viên tránh được sai lầm cũng là công ty đỡ bị thiệt hại. Việc tìm hiểu cách suy nghĩ của nhân viên cũng giúp cho người lãnh đạo biết được điểm nào yếu, điểm nào mạnh để có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo nhân viên phù hợp. Trong một số trường hợp, nếu bạn đã nhiều lần cố gắng nhưng cách tư duy của nhân viên vẫn không thể thay đổi, tốt nhất hãy bố trí ngay cho anh ta một công việc khác phù hợp với cách tư duy đó. Điều này sẽ tốt hơn cho cả hai. Lấy ví dụ ở bộ phận kinh doanh của công ty bạn có người rất ngại chuyện mặc cả khi mua bán. Nếu bạn không thể giúp cho họ “thông suốt” rằng đây là công việc kinh doanh, nhiệm vụ của người bán là bán được giá cao, còn người mua là phải mua được giá tốt nhất trên thị trường, thì đừng giao việc mua hàng hay đàm phán giá cho họ nữa. Vì thế đối với nhà quản lý đừng chỉ dừng lại ở việc khắc phục lỗi và truy cứu trách nhiệm, hãy dấn thêm một bước nữa, truy tìm gốc rễ của nguyên nhân, của cách suy nghĩ.
Lãnh đạo cần hiểu và thông cảm với nhân viên, nhưng cũng cần đạt được
mục tiêu của công ty. Làm thế nào để hài hoà giữa hai điều này, đó chính là nghệ
thuật của người cầm quân. Không có một công thức chung nào cho mọi trường hợp
hay cho mọi cá nhân. Cũng cần chú ý thêm, bản thân cuộc sống luôn biến động và
tư duy của con người cũng không nằm ngoài quy luật thay đổi, vì vậy đừng nghĩ rằng
những gì chúng ta hiểu về một con người
sẽ tồn tại mãi cùng thời gian. Quá trình tìm hiểu cách suy nghĩ của các cộng sự
sẽ phải là một quá trình liên tục gắn cùng với các hoạt động của công ty. Bạn cũng
đừng nản lòng hay quá bực tức nếu thấy nhân viên của mình phạm nhiều lỗi lầm,
trước tiên hãy hỏi mình đã làm hay giúp đỡ họ tránh phải những sai lầm đấy chưa.
Có lẽ chỉ có ai không làm gì, người đó mới không mắc phải sai lầm.
Đặt mình vào vị trí của người khác không phải chỉ
để thông cảm giải quyết sự việc cho có tình, có lý mà điều quan trọng nữa là hiểu
được cách tư duy để giúp cho họ phát triển và công ty bớt đi những sự cố không đáng
có. Để được vậy, có lẽ đôi khi chúng ta cũng cần phải học được thuật biến hình
như Tôn Ngộ Không, nhưng chỉ trong suy nghĩ thôi nhé.
Nguyễn Tân Kỷ