Người ảnh hưởng nhiều nhất đến việc học của tôi chính là ba tôi. Ông chỉ cho tôi biết học không chỉ đơn thuần là học văn hóa, học chuyên môn mà còn phải học cách sống, học cách giao tiếp, ứng xử trong xã hội, học cách cảm nhận cái đẹp...
Ngay từ thời phổ thông, ba tôi đã dạy tôi phải luôn biết và dám đặt mục tiêu cao cho bản thân mình (tất nhiên khi đó, mục tiêu đối với tôi chỉ là các thứ hạng và điểm số). Cũng như nhiều học sinh khác thời đó, tôi thích học các môn tự nhiên hơn các môn xã hội và điều này làm ba tôi không vui. Đối với các bài tập toán ít khi tôi bị ba yêu cầu làm lại, nhưng ám ảnh nhất là các bài tập làm văn, nhiều bài bị ông gạch chi chít, phải sửa đi sửa lại mấy lần. Có lần tôi nói với ông: “Thôi đằng nào ba cũng sửa, vậy ba làm luôn cho con đi, rồi con chép lại cho nhanh”. Ba tôi nghiêm mặt: “Ba chỉ sửa theo văn của con, chứ ba không làm hộ con, vì như vậy con sẽ chẳng bao giờ biết làm văn cả”. Khi trưởng thành tôi mới hiểu hết những điều ông dạy: mỗi một con người hãy tự đi bằng chính đôi chân của mình, hãy là chính mình…
Tôi trúng tuyển đại học và được cử đi du học tại Nga (hồi đó còn là Liên Xô) ngành kỹ sư Hệ thống điện. Tôi học tại Học viện Năng lượng Moscow, một trường đại học tổng hợp kỹ thuật danh tiếng khối XHCN thời bấy giờ. Thời gian đầu tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn: môi trường, không người thân quen, nhất là rào cản ngôn ngữ. Những ngày đầu lên lớp, ngồi nghe nguyên ngày mà chỉ ghi được vài từ. Vốn tiếng Nga sau một năm học dự bị tại quê nhà quả là quá ít ỏi để có thể giao tiếp và hiểu được bài giảng của thầy cô. Vậy là chỉ còn cách, tối về mượn tập bạn Nga và kết hợp với sách để xem trên lớp thầy giảng gì. Cứ một bên là sách, tập của bạn bên kia là từ điển và mày mò cho đến một, hai giờ sáng. Và nhờ vậy mà tôi học được cách đoán từ, học được cách viết tắt, cách sử dụng từ của người bản xứ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập đọc báo và xem ti vi (thật ra lúc đầu chủ yếu xem hình và đoán ý là chính). Lần đầu tiên ra sạp báo tôi nói với người bán hàng theo đúng những gì mình được học ở nhà, nghe xong cô bán hàng không hiểu, cứ hỏi đi hỏi lại nhưng tôi cũng không biết giải thích như thế nào. Liếc thấy ông đứng bên cạnh cầm tờ báo thể thao, tôi liền chỉ vào và mua được. Quan sát những người Nga đến mua báo, tôi phát hiện ra họ nói rất ngắn gọn nhưng vẫn đủ lịch sự.
“Trong kinh doanh
không có điều gì là chắc chắn, không thay đổi. Bạn chỉ có thể sử dụng các thông
tin của quá khứ thành những bài học kinh nghiệm. Còn việc vận dụng chúng như
thế nào, tận dụng cơ hội ra sao, đó là việc bạn phải tự quyết định”
Tôi đã đọc được ở đâu đó một câu đại ý thế này: đứng trước một công việc mới lạ, thách thức, chúng ta thường nghĩ khó thực hiện nổi, nhưng khi vượt qua rồi thì lại thấy không phải là điều quá khó. Quan trọng là dám bắt đầu, dám bước những bước đầu tiên. Tôi rất tâm đắc với câu nói trên nó rất đúng với tôi, như trong chuyện học môn văn chẳng hạn. Hồi cấp một tôi học rất dở môn tập làm văn, các bài văn tả cảnh, tả người của tôi thường chỉ được điểm 5. Bắt đầu từ giữa cấp 2, cứ mỗi lần hè đến Ba tôi lại mở tủ sách, hướng dẫn các đầu sách cho tôi đọc. Tôi bắt đầu làm quen với Lều chõng, Bước đường cùng, Bỉ vỏ, Hoàng Lê nhất thống chí, Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Chùm nho uất hận, Sông đông êm đềm, Ngư ông và biển cả... Đến cuối cấp 2 thành tích về môn văn của tôi đã có tiến bộ và lên cấp 3 tôi có tên trong danh sách học sinh giỏi văn của trường. Những ngày đầu đọc những cuốn chuyện dày cộp tôi chẳng thấy thú vị gì cả, tôi thú nhận với ba, ba cười và nói: “Truyện này đoạt giải Nobel đấy, cứ từ từ đọc rồi con sẽ hiểu cái hay của tác phẩm”.
Có người hỏi tôi, nhất là
các bạn sinh viên: “Sao anh học kỹ thuật mà lại làm kinh tê? ” hoặc “Anh có lời
khuyên gì không? ”... Tôi nhớ câu nói
nổi tiếng của Warren Buffett, người được đánh giá là nhà đầu tư lỗi lạc, người
giàu thứ hai trên thế giới. Ông nói: “Nếu chìa khóa của vấn đề chỉ là các thông
tin của quá khứ, thì những người giàu nhất phải là những người trông thư viện”.
Quả thật, kinh doanh là một trong những ngành mà vai trò của các thông tin quá
khứ chỉ chiếm một phần khiêm tốn. Sẽ không có cuốn sách giáo khoa nào, hay một
giáo sư nào có thể mách bảo bạn chính xác rằng ngành này hay sản phẩm này sẽ
thành công trong tương lai. Trong kinh doanh không có điều gì là chắc chắn,
không thay đổi. Bạn chỉ có thể sử dụng các thông tin của quá khứ thành những bài
học kinh nghiệm. Còn việc vận dụng chúng như thế nào, tận dụng cơ hội ra sao,
đó là việc bạn phải tự quyết định. Trường kỹ thuật giúp cho bạn phương pháp luận
sáng tạo, tính kỷ luật và nguyên tắc trong công việc, cách đặt và tìm ra vấn
đề...Nếu bạn biết cách vận dụng, những điều này sẽ là các công cụ hữu hiệu trong
công việc kinh doanh của bạn sau này.
Theo tôi, việc học đối với
doanh nhân đâu có thể chấm dứt sau 4 - 5 năm đại học. Chúng
ta học để làm chủ cuộc đời, làm chủ công việc của mình, học để có được tầm nhìn
định hướng cho tương lai, học để tiếp nhận cái mới, để thích nghi với sự thay
đổi, để nâng tầm mình lên, để bản thân
không thấy lạc hậu... Quả thật, biển học mênh mông, càng học, càng đi sâu vào một lĩnh vực nào
đó, càng cảm thấy còn quá nhiều điều mới mẻ. Và có lẽ chính vì vậy mà cuộc sống
luôn thú vị, không nhàm chán. Ngay từ nhỏ tôi đã không ngại học, lớn lên nhận
thức rõ hơn về sự cần thiết của tri thức tôi càng tranh thủ học. Ngoài việc đến
trường, tôi còn học qua sách, báo, internet, các buổi hội thảo chuyên đề, học
từ các đối tác kinh doanh, từ cấp trên, từ đồng nghiệp,từ bạn bè, hay từ chính
công việc của mình. Cách học nhanh nhất với tôi là học xong phải tìm cách kiểm
nghiệm và áp dụng ngay vào công việc hàng ngày, điều này giúp tôi hiểu vấn đề
sâu hơn và nhớ lâu hơn. Tôi có một kỷ niệm vui khi học môn quản trị tài chính
tại trường Kinh tế. Giảng viên chính là
người bạn thân của tôi thời phổ thông, sau khi tốt nghiệp đại học anh được giữ
lại trường. Tôi học rất say mê không hẳn vì sợ “quê” với bạn mà mà còn vì khi
phân tích đến chỉ số nào tôi bèn liên tưởng đến các số liệu của công ty, điều
này làm tôi rất hứng thú, vừa hiều kỹ hơn bài giảng, lại vừa có thể đánh giá
được tình hình công ty dưới góc độ phân tích tài chính và kiểm nghiệm với những
gì đang diễn ra trong thực tế.
Có lẽ trong cuộc sống chúng
ta vẫn gặp một vài người học rất giỏi, kiến thức rất uyên bác nhưng chưa hẳn đã
thành công, hay ngược lại. Để lý giải điều này, bạn hãy tưởng tượng thước đo
thành công của một con người là thể tích của một hình khối theo không gian ba
chiều mà 3 cạnh của hình khối đó là tri thức (kiến thức chuyên môn, xã hội,
kinh tế, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật...), sự giàu có về tiền bạc, yếu tố xã
hội (gia đình, danh vọng, địa vị xã hội, đạo đức...) Cho dù chúng ta có hai giá trị rất cao, nhưng
giá trị đầu lại có kích thước khiêm tốn, thì thể tích của hình khối này chắc
chắn sẽ không lớn và chúng ta vẫn chưa thể coi là thành công được.
Nguyễn Tân Kỷ