Một nhà quản lý chỉ được đánh giá là
thành công trọn vẹn nếu như, ngoài những thành tích khi đương nhiệm, còn chọn
và đào tạo được người kế nhiệm xứng đáng. Đó cũng là một trong những quy tắc
vàng của một người lãnh đạo giỏi.
Sức
trẻ tuổi Xuân
Nguyễn Tân Kỷ
Một trong những kỷ niệm thời sinh viên
mà bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy vui vui và pha chút luyến tiếc, đó là
khi tôi và những bạn sinh viên năm thứ nhất vừa từ Việt nam sang Nga du học, được
các anh chị sinh viên lớp trên đón về ký túc xá, tổ chức liên hoan ra mắt hội đồng
hương Việt nam. Trong buổi liên hoan đó, một anh sinh viên lớp trên phát biểu:
“Nhìn bọn em sướng thật”. Hồi đó chúng tôi ngạc nhiên lắm!
Thời gian trôi qua, sau này khi bắt đầu công việc quản lý, điều hành tôi càng cảm nhận cái sự “sướng” mà anh sinh viên năm trên tâm sự hồi đó. Lớp trẻ luôn giữ một vai trò quan trọng trong đội ngũ nhân sự của bất kỳ một doanh nghiệp nào hiện nay. Bây giờ, nhiều bạn trẻ được tạo cơ hội thể hiện khả năng chỉ sau vài năm công tác ở các vị trí mà trước đây phải có thâm niên được tính bằng hai chữ số.
Trong nền kinh tế hội nhập và toàn cầu
hiện nay, việc sử dụng lực lượng lao động trẻ địa phương luôn là một chiến lược
mà các công ty đa quốc gia theo đuổi. Nếu như cách đây năm, bảy năm các vị trí
lãnh đạo quan trọng của các công ty nước ngoài ở Việt Nam thường là các doanh
nhân nước ngoài thì nay đã có rất nhiều người Việt đảm nhận một cách xuất sắc và
đa phần họ đều thuộc lứa tuổi 30, 40. Tuổi đời có thể chưa phải là nhiều, nhưng
thành tích và kinh nghiệm mà họ trải qua, thực là đáng nể, đó là điều mà các lớp
đi trước không có được do bị hạn chế.
Đặc điểm của sức trẻ trong công việc,
đó là sức bật, khả năng tiếp thu cái mới, sự thích ứng trong một môi trường luôn
biến động và tư duy sáng tạo. Tất nhiên nếu thường xuyên rèn luyện chúng ta có
thể kéo dài tuổi “thanh xuân” của mình, thực tế cho thấy không ít trường hợp như
vậy. Nhưng nói gì thì nói tuổi trẻ đó là một thế mạnh, một tài sản vô giá mà mỗi
con người, mỗi đất nước đều có, vấn đề là chúng ta tận dụng nó như thế nào ? Một
điều dễ dàng nhận thấy ở các doanh nghiệp thành công là họ có rất nhiều gương mặt
trẻ trung, năng động, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia nắm giữ những vị trí chủ
chốt trong công ty. Việc nối tiếp ở đây hoàn toàn không phải kiểu “sống lâu lên
lão làng” mà chúng ta thường gặp trước đây, mà là sự đào tạo, bồi dưỡng có định
hướng, tạo cơ hội bộc lộ và phát triển khả năng cho tất cả mọi thành viên trong
công ty.
Trong doanh nghiệp cũng như trong thể
thao, luôn cần phải thu hút và đào tạo những tài năng trẻ. Hơn ai hết, chính lãnh
đạo, tổng giám đốc, giám đốc công ty phải nhận lãnh trách nhiệm không dễ dàng này.
Đặc điểm của tuổi trẻ đó là lòng nhiệt huyết, dám chấp nhận thách thức, mong muốn
được cống hiến, khát khao phá kỷ lục và vượt lên trên chính mình. Vì thế, nếu
chúng ta biết tận dụng và khơi đúng mạch sẽ có những kết quả thật tuyệt vời. Nhưng
điểm yếu của họ là chưa từng trải nên dễ dao động, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh
cho những cuộc chơi lớn. Kinh nghiệm không tự nhiên mà có, nó phải được tích lũy
qua chính công việc, đó là nhiệm vụ của những người đứng đầu công ty đối với lớp
trẻ, đối với tương lai của doanh nghiệp. Trách nhiệm phát hiện và đào tạo phải được
truyền từ lớp trước sang lớp sau, thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ khi đó doanh
nghiệp mới có thể mơ đến một sự phát triển lâu bền. Bản thân những người trẻ tuổi
được đào tạo và trưởng thành trong doanh nghiệp cũng sẽ cảm thấy trách nhiệm phải
đào tạo lại các thế hệ kế cận họ sau này.
§
Nhân viên có tiềm năng nếu không được đào tạo và tạo điều kiện cho
thử sức trong chính trong công việc thì cũng mãi mãi vẫn chỉ là có tiềm năng và
rồi tiềm năng sẽ mòn trôi theo năm tháng nếu không được sử dụng đúng.
Đối với số đông các doanh nghiệp nước ngoài, việc đào tạo lớp kế cận
được coi là trách nhiệm bắt buộc của các cấp quản lý đối với cấp dưới, người tiền
nhiệm cũ được đánh giá là thành công toàn vẹn nếu như ngoài những thành tích
khi đương nhiệm anh còn chọn được người kế nhiệm xứng đáng. Thế nhưng, ở các
doanh nghiệp Việt Nam,
thực tế vẫn còn có những giám đốc chưa quan tâm đúng mức chuyện đào tạo cán bộ
trẻ. Có lẽ một phần xuất phát từ bản tính “dấu nghề” của người Việt, phần khác
do kiểu suy nghĩ, ngày xưa tôi phải tự mày mò, tự học, rồi bao lâu chờ đợi phấn
đấu mới được như ngày hôm nay, bây giờ các anh cũng chịu khó như vậy đi và phần
nữa là sợ cảnh “công anh bắt tép nuôi cò”. Đứng ở góc độ nào đó một giám đốc cũng
giống như một người thầy - phải thực sự cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi học
trò mình phát hiện và đào tạo đã trưởng thành và có thể giỏi hơn cả thày. Người
thầy, người lãnh đạo là người chỉ hướng đi, người dẫn dắt, còn người học trò,
người nhân viên chính là người thực hiện. Tất nhiên việc nhân viên sau khi trưởng
thành bỏ ra làm riêng hay đầu quân doanh nghiệp khác không phải là không có, nhưng
dù gì đi chăng nữa, đối với những người bạn đã bỏ công đào tạo, bồi dưỡng họ cũng
sẽ đối xử lại với bạn, với doanh nghiệp theo một cách khác. Chân tình đối đãi
chân tình tôi luôn tin vào điều này.
Nhân viên có tiềm năng nếu không được đào tạo và tạo điều kiện cho
thử sức trong chính trong công việc thì cũng mãi mãi vẫn chỉ là có tiềm năng và
rồi tiềm năng sẽ mòn trôi theo năm tháng nếu không được sử dụng đúng. Đó cũng là
lý do tại sao hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang thiếu rất nhiều lãnh đạo
trẻ, đủ tầm. Thực tế trong các tổng công ty nhà nước không phải là có ít người
giỏi mà còn ngược lại là đằng khác, nhưng thử hỏi họ sẽ làm gì đây khi mà ông
chánh chưa có chỗ để đi lên, còn ông phó lại chưa đến tuổi về hưu ? tài năng nếu
phải chờ dài cổ từ năm năm, mười năm, hay thậm chí mười lăm, hai mươi năm, liệu
đến khi được đề bạt có còn được sức bật của tuổi trẻ, năng lực khai phá, khả năng
dám sáng tạo, đột phá những hướng đi mới ?
Có thể trong năm nay chúng ta sẽ ra nhập WTO, đây thực sự là một cơ
hội cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng nó cũng là thách thức không nhỏ đối với các
doanh nghiệp không thích ứng được với các luật chơi mới, đầy khắc nghiệt của toàn
cầu hóa. Nền kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam hơn bao giờ hết cần có những đội
ngũ nhân sự đủ mạnh để lèo lái con tàu vượt sóng ra biển lớn. Bên cạnh những
thuyền trưởng lão luyện rất cần có đội ngũ thuyền phó trẻ trung đủ sức để bổ
sung và thay thế. Chúng ta đã đổi mới nền kinh tế từ đầu thập niên 1990 và đạt được
những thành công ban đầu. Nhưng ngày hôm nay trước ngưỡng cửa của cuộc chơi hội
nhập đầy cơ hội lẫn thử thách này, có lẽ chúng ta cần phải có những bước đột phá
mới, sức bật mới, cùng cả cách suy nghĩ mới để có thể thành công. Và chúng ta có
thể có những điều như vậy không? Câu trả lời là có. Chúng ta hiện đang sở hữu một
tài sản rất có giá trị: một lớp trí thức, các nhà khoa học, nhà kinh tế, doanh
nhân sinh ra và trưởng thành sau ngày đất nước hoà bình thống nhất. Tính đến thời
điểm này phần đông trong số họ đang ở lứa tuổi 30, 40 - lứa tuổi bắt đầu thành đạt
của những doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Vào lứa
tuổi này họ đã đủ độ “chín” để có thể phát huy mặt mạnh, nhưng cũng vẫn còn đủ
“trẻ” để có thể sáng tạo và tiếp nhận những tư tưởng mới, có lẽ chính vì vậy mà
họ thường dễ thành công hơn cả. Khác với lớp cha anh đi trước nhiều người trong
số họ có điều kiện được đào tạo và làm việc trong các môi trường có tính cạnh
tranh cao của các nước phát triển. Tôi còn nhớ cách đây vài năm một doanh nhân
trẻ thuộc lứa tuổi 30, khi được hỏi về giấc mơ trong tương lai, câu trả lời của
anh là đến năm 40 tuổi muốn ứng cử trở thành Thủ tướng Việt Nam. Đối với các nước
điều này đâu phải là hiếm, trên thế giới có rất nhiều nhà kinh doanh, nhà quản
lý tham gia lãnh đạo đất nước. Thái lan nước láng giềng của chúng ta, đương kim
Thủ tướng Thaksin là một doanh nhân nổi tiếng. Phó Thủ tướng thứ nhất Mevedev, 40
tuổi vừa được tổng thống Putin bổ nhiệm tại Nga cũng đang phụ trách tập đoàn dầu
khí Gazprom. Nhân tài không tự nhiên sinh ra, họ luôn phải được phát hiện, bồi
dưỡng, đào tạo và tạo cơ hội thử sức - có thể nói đó là quy luật về phát triển nhân
tài.
Từ xưa đến nay và có lẽ sau này cũng
thế, mùa xuân được coi là mùa của sự sống, của niềm tin, mùa của sự bắt đầu. Chữ
“xuân” đồng nghĩa với sự trẻ trung, sôi nổi, đồng nghĩa với cái mới, với sự
thay đổi hướng đến những điều tốt đẹp, tươi sáng và hạnh phúc. Có lẽ bởi sau những
chuỗi ngày dài của mùa đông giá rét, những tia nắng ấm áp của mùa xuân làm tan đi
lớp băng lạnh lẽo, nhú lên những mầm xanh của cây, cỏ làm cho chúng ta yêu đời
hơn, phấn chấn hơn, tự tin hơn và như được tăng thêm sức lực cho những thử thách
mới. Chúng ta hãy cùng mong chờ Xuân Bính Tuất sẽ bắt đầu cho một thời kỳ phát
triển ở một tầm cao mới với những làn sóng trẻ trung, mạnh mẽ góp phần làm thay
đổi bộ mặt của nền kinh tế nước nhà.