“Để có sự thuận tiện cho người
tiêu dùng, những nhà sản xuất, những người chế tạo sẽ không được tiện lợi chút
nào, họ phải vắt óc tìm ra những cái mới và đó chính là cơ hội trong kinh
doanh.”
Nguyễn Tân
Kỷ
Quả đúng vậy, kinh doanh là việc tìm kiếm và tận dụng cơ hội. Tuy nhiên,
trong quá trình tìm kiếm, những người trực tiếp thực hiện thường có xu hướng đi
tìm sự thuận tiện. Bán cái chúng ta có, chứ không phải là bán cái người ta cần.
Bao năm nau, với cơ chế bao cấp, xin cho đã làm cả một thế hệ doanh nghiệp Việt
Nam kinh doanh theo triết lý trên. Nghĩ cũng phải, thời bao cấp mua theo tiêu
chuẩn, cung không đủ cầu, có được đã là may lắm rồi, nên việc bán cái chúng ta
có cũng đồng nghĩa với cái khách hàng cần. Đơn giản vì không có sự lựa chọn nào
khác và điều này vẫn còn đúng đến tận bây giờ đối với doanh nghiệp kinh doanh độc
quyền.
Nay, sau hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã chuyển đổi nền kinh tế từ tập
trung bao cấp sang cạnh tranh thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức
rất rõ, cần bán cái khách hàng cần chứ không phải là bán cái chúng ta đang có.
Thế nhưng vẫn có một khoảng cách khá xa giữa ý nghĩ và hành động. Khi chúng ta
đang có một sản phẩm tốt, thường là những sản phẩm đã tốn bao công sức để thiết
kế tạo ra nó, chúng ta rất muốn mang sản phẩm đó đi chào bán cho khách hàng. Một
phần đó là cái sẵn có thuận lợi cho sản xuất đại trà, phần khác đó là thứ chúng
ta đang rất yêu mến. Tuy nhiên, nhu cầu khách hàng luôn thay đổi, luôn hướng đến
những cái mới, cái lạ. Vẫn có những khách hàng trung thành với các sản phẩm
truyền thống, nhưng bên cạnh đó, luôn có lượng không nhỏ khách hàng mong muốn,
chờ đợi một điều gì khác lạ, mới mẻ, thậm chí họ cũng chưa gọi được tên cái
khác đó là gì, chỉ biết rằng cái cũ đã không còn thỏa mãn họ như trước. Minh chứng
rõ ràng nhất là sự thành công vang dội của dòng điện thoại thông minh. Trước
khi iPhone xuất hiện, điện thoại di động đầy các nút bấm. Steve Jobs, Tổng giám
đốc điều hành của Apple lúc đó, đã yêu cầu các kỹ sư thiết kế điện thoại không
nút bấm, ông đã bị họ phản ứng dữ dội vì cho đây là đòi hỏi điên rồ. Câu trả lời
của Steve Jobs rất rõ ràng, người tiêu dùng đã quá mệt mỏi với cục gạch chi
chít nút và rối rắm, họ muốn có một thứ đơn giản để ngay cả trẻ con cũng có thể
sử dụng được. Apple đã đi tìm cơ hội đó và đã thành công rực rỡ với dòng điện
thoại iPhone.
Bản tính của con người là luôn thích làm việc dễ, do đó sẽ luôn đi tìm sự
tiện lợi trong công việc. Thế nhưng công việc kinh doanh lại khác, chúng ta cần
đứng ở góc độ người tiêu dùng thích tiện lợi mà sáng tạo ra các sản phẩm đem lại
sự thuận tiện cho khách hàng. Dĩ nhiên để có sự thuận tiện cho người tiêu dùng,
những nhà sản xuất, những người chế tạo sẽ không được tiện lợi chút nào, họ phải
vắt óc tìm ra những cái mới và đó chính là cơ hội trong kinh doanh. Nơi nào
chưa có, không hẳn là không có nhu cầu. Quan trọng là biết nhìn ra và chọn lọc
cơ hội.
Nguồn lực con người luôn hữu hạn, không thể dàn trải cho tất cả các cơ hội
mà chúng ta có được, cần lựa chọn cơ hội nào khả thi và hướng tổ chức mình phù
hợp với việc thực hiện cơ hội đó. Trong vấn đề này có những tranh luận trái chiều
nhau. Có ý kiến cho rằng nên tìm những cơ hội phù hợp với tổ chức mình đang có
để có thể thực hiện nhanh chóng, lại có ý khác cho rằng tìm ra cơ hội tốt sẽ
quan trọng hơn và sẵn sàng thay đổi tổ chức để thực hiện cơ hội đó. Thật khó có
thể nói rằng sách lược nào là đúng, vì bản thân kinh doanh không phải chỉ dựa
trên lý thuyết hay sách vở. Nói như nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffet, nếu bí mật
kinh doanh chỉ là những con số của quá khứ, thì những người giàu nhất, thành
công nhất phải là những người coi thư viện. Đa số những cơ hội lớn đã gặt hái
thành công trong quá khứ là do tổ chức tự thay đổi, thiết lập riêng cho phù hợp
với việc thực hiện cơ hội đó. Để phát triển được các siêu dự án như iPhone,
MacBook…Steve Jobs đã thành lập những nhóm hoạt động hoàn toàn độc lập với bộ
máy hiện hữu của công ty. Ông đã tập hợp những người xuất chúng trong từng lĩnh
vực cho dự án này với lập luận chỉ những người khác người, những người không
liên quan đến thành công của các sản phẩm hiện tại mới có khả năng tạo ra những
thành công mới vượt trội hơn. Và ông đã đúng.
Bản năng của số đông mọi người là luôn muốn tìm đến sự tối ưu, ổn định,
thuận tiện trong suy nghĩ và trong hành động. Thế nhưng chính việc tìm tòi,
sáng tạo, không chấp nhận những gì sẵn có lại là những nhân tố giúp nhân loại
phát triển. Nếu bạn đã chọn kinh doanh là nghiệp, hãy tìm kiến lựa chọn cơ hội
mà những người khác coi đó là khó khăn, là điều không thể và điều chuyển tổ chức
mình theo hướng phù hợp để thực hiện thành công cơ hội đó. Làm được điều này chắn
chắn cả một đại dương xanh sẽ mở ra trước mắt chúng ta.