ĐÁNH ĐỔI
LTS: Khép lại năm 2013 đầy khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, TBKTSG đã mời một số anh chị doanh nhân ngồi lại qua mạng để chia sẻ với bạn đọc những suy tư của họ trong năm qua cũng như những kiến giải cho năm tới.

TBKTSG: Năm 2014 Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn, trên cả bình diện khu vực và rộng lớn hơn như tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các anh chị thì những hội nhập này đang có những tác động gì đến hoạt động kinh doanh của các anh chị?


Ông Nguyễn Tân Kỷ: theo tôi, vấn đề mấu chốt trong đời sống kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp như người ta thường nói “quay trở lại căn bản” (back to basic): làm sao bán được hàng, hàng đây được hiểu là hàng hoá và dịch vụ. Quả đúng vậy, năm 2013 là năm vô cùng khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, tuy chúng ta kiểm soát được lạm phát và tỷ giá, không để nền kinh tế bị vàng hoá hay đô la hoá, thế nhưng sức mua trong dân bị giảm sút nghiêm trọng. Người dân không có tiền, hoặc lo sợ nên không dám chi tiêu, tăng cường tiết kiệm. Muốn bán được hàng, các doanh nghiệm phải tăng cường công tác kích cầu, tăng ngân sách cho quảng cáo, khuyến mãi và việc tăng này lại càng làm tăng chi phí và làm doanh nghiệp khó khăn.

TBKTSG: Trong bối cảnh khó khăn đó, có lẽ các anh chị phải có những đánh đổi trong năm 2013 (về doanh thu, lợi nhuận, con người, công nghệ…)?
Ông Nguyễn Tân Kỷ: Trong giai đoạn khó khăn này, sức mua thì giảm sút, mà lại phải tăng các chi phí quảng bá, bán hàng thì lợi nhuận chắc chắn sẽ không được như mong muốn. Trong ngắn hạn, có thể cầm cự hy sinh một phần lợi nhuận, nhưng chắc chắn không thể hy sinh phần đầu tư cho công nghệ, cho con người. Vì đây chính là sức mạnh cạnh tranh trong dài hạn của mỗi doanh nghiệp.

TBKTSG: Năm qua cũng là năm có nhiều vấn đề xã hội, như trong y tế, giáo dục, đạo đức, thiên tai…Các anh chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về các vấn đề này với bạn đọc TBKTSG?
Ông Nguyễn Tân Kỷ: Quả thực trong năm qua các vấn đề về y tế, giáo dục và đạo đức liên tục xảy ra: bác sĩ vứt xác bệnh nhân, nhà ngoại cảm làm giả mộ liệt sĩ, trò đánh thầy…làm ai cũng đau xót. Thế nhưng khi cảm xúc nguôi rồi thì giải pháp ở đâu vì chúng ta không chỉ đứng nhìn và phê phán. Theo tôi việc cần làm bây giờ là một cuộc cách mạng trong công tác giáo dục vì giáo dục chính là nền tảng đạo đức. Trong ngành giáo dục chắc ai cũng biết hiện tại quá nhiều vấn đề, nhiều đến mức ai cũng thấy nhưng không ai dám làm có lẽ vì quá nhiều, quá lớn. Từ giáo trình giảng dạy, đến thi cử, đến quản lý, tổ chức…đâu đâu cũng thấy bất cập, lỗi thời. Tổ chức hội thảo nhiều, lấy ý kiến nhiều…nhưng rồi vẫn không ai dám bắt đầu. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần dũng cảm bắt đầu. Rất cần và rất cần, vì nếu chúng ta thay đổi từ bây giờ thì ít nhất 12 năm sau chúng ta mới có quả ngọt, quả là không nhanh nhưng vì lợi ích trăm năm trồng người, không thể không làm. Nếu không làm chúng ta sẽ có tội với thế hệ con cháu sau này.

Xem bài đăng đầy đủ tại http://www.thesaigontimes.vn/epaper2010/TB-KTSG/947




 
Top