Liên đoàn bóng đá Việt Nam
hãy dũng cảm thay đổi, hành động vì lợi ích của nền bóng đá nước nhà, vì tình
yêu bóng đá của hàng triệu người dân Việt Nam
Ở giải đấu khu vực AFF
Cup, với ba trận đấu, 1 trận hoà, 2 trận thua, đội tuyển bóng đá nam bị loại
ngay sau vòng bảng. Còn ở trong nước, giải bóng đá vô địch quốc gia đứng trước
nguy cơ không tổ chức được, vì không đủ số đội tham gia dù ban tổ chức đã nhiều
lần gia hạn ngày đăng ký. Bóng đá Việt Nam kết thúc năm 2012 bằng các kết quả tệ
hại như vậy. Buồn, thất vọng, chán nản là cảm giác chung của những người yêu
bóng đá nước nhà, nhưng có lẽ đại đa số cổ động viên Việt Nam đều đã dự đoán
trước được kết quả này. Với cách thức làm bóng đá và xây dựng đội tuyển của
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong thời gian dài qua, thì kết cục như vậy
là điều khó tránh khỏi.
Đã có nhiều phân tích,
bình luận của báo chí, giới chuyên môn, người hâm mộ về nguyên nhân thất bại của
đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong đó đều có chung một nhận định là do sự không
chuyên nghiệp của VFF. Cứ sau mỗi lần thất bại của đội tuyển, VFF lại mổ xẻ,
sâu sắc nhận trách nhiệm, kiểm điểm, xin lỗi người hâm mộ… nhưng rồi mùa lại
mùa, ngày lại ngày, tất cả lại vẫn y như cũ. Cái mà VFF cần bây giờ là sự thay đổi triệt
để từ nhân sự cho đến cách thức tổ chức.
Thực tế đã chứng minh
tính ưu việt của chuyên nghiệp trong quản lý và điều hành tổ chức, doanh nghiệp.
Điều hành bóng đá cũng không ngoại lệ, VFF cần những người chuyên nghiệp, ngoài
khả năng quản lý họ phải thực sự am hiểu bóng đá, chứ không phải kiểu chủ tịch
liên đoàn bóng đá xuất thân từ bóng rổ! Nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm điều
hành, sao không nghĩ đến việc cử cán bộ tiềm năng đi học, đi đào tạo tại nước
ngoài, rồi trong khi chờ đợi người của chúng ta đủ sức cáng đáng công việc, sao
không sử dụng đội ngũ nhân sự thuê ngoài. Hiện nay trong các doanh nghiệp Việt
Nam, việc thuê các chuyên gia nước ngoài đảm trách các vị trí giám đốc không phải
là hiếm. Doanh nghiệp làm được, không có lý do gì VFF không làm được, phải
chăng ở chỗ VFF có thực sự muốn làm, muốn thay đổi hay không?
Ở Giải vô địch quốc gia,
Ban tổ chức vẫn cứ mải mê tranh luận nên có bao nhiêu cầu thủ ngoại đăng ký,
hay bao nhiêu cầu thủ ngoại được phép ra sân thi đấu. Mục đích giới hạn số cầu
thủ ngoại để các cầu thủ nội có cơ hội phát triển và là nguồn cung cho đội tuyển
quốc gia. Tuy nhiên đây mới chỉ là cách quản lý đằng ngọn chứ chưa đi vào bản
chất vấn đề. Thử xem các đội bóng như Real Madrid của Tây Ban Nha có bao nhiêu
cầu thủ quốc tịch Tây Ban Nha trong đội hình chính thức, hay bao nhiêu cầu thủ
gốc Anh ra sân trong màu áo Chelsea…nhưng đâu ai dám coi thường sức mạnh của đội
tuyển xứ sở bò tót hay đảo quốc sương mù.
Ngày nay với cơ chế nhập
tịch thoáng hơn, công dân được phép có hơn một quốc tịch, thì việc hạn chế số cầu
thủ ngoại như bóng đá Việt Nam đang làm không còn nhiều ý nghĩa. Cái chính ở
đây là cần có hệ thống đào tạo các cầu thủ trẻ. Các lò đào tạo trẻ này chính là
nơi cung cấp nhân sự cho đội hình chính và những đội bóng có nhu cầu. Và nếu
làm giỏi, không những bù đắp được chi phí đào tạo mà còn thu được lợi nhuận từ
mô hình này.
Các câu lạc bộ bóng đá Việt
Nam trước đây sống dựa vào các đơn vị chủ quản, còn sau này nhờ vào nguồn tiền
của các ông bầu, các mạnh thường quân bóng đá chứ chưa bao giờ tự nuôi sống được
bản thân. Tất nhiên các đội bóng lớn không thể thiếu các ông chủ, tuy nhiên đã
đến lúc bóng đá Việt Nam cần được đại chúng hoá thực sự. Một đội bóng luôn cần
có cổ động viên, hãy để những cổ động viên cùng tham gia sở hữu đội bóng, đóng
góp vốn cho đội bóng hoạt động thông qua việc mua vé nguyên mùa giải, mua quà
lưu niệm, quần áo cổ vũ, mua cổ phần…
Các câu lạc bộ chỉ làm được
điều này khi các cổ động viên cảm thấy đây là đội bóng chung của họ chứ không
phải của riêng bầu A, bầu B nào đó. Ở các quốc gia phát triển, đội bóng khi
thay đổi các ông chủ đa phần vẫn giữ nguyên tên, vì đó là lịch sử, là tình yêu
của người hâm mộ, là tài sản vô hình của đội bóng. Còn các ông bầu bóng đá Việt
Nam sau khi sở hữu đội bóng, việc làm đầu tiên là thay tên, gắn thêm tên doanh
nghiệp mình vào tên đội bóng hoặc thậm chí đổi hoàn toàn, bất chấp những cái
tên đã có lịch sử hàng chục năm.
Đơn giản vì mục đích của
các ông bầu không phải làm bóng đá mà chỉ dùng bóng đá làm phương tiện quảng bá
hình ảnh, đánh bóng tên tuổi. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp họ gặp khó khăn,
các khoản chi cho bóng đá sẽ nằm trong danh sách bị cắt bỏ đầu tiên. Điều này
đang xảy ra với nhiều câu lạc bộ giải ngoại hạng và hạng nhất Việt Nam cuối năm
2012.
Một thời gian dài, VFF
loay hoay với việc tuyển chọn huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia. Thất bại
trong việc dùng huấn luyện viên ngoại cộng với sức ép của báo chí, VFF quyết định
tuyển huấn luyện viên nội cho đội tuyển bóng đá nam. Nhưng rồi dưới áp lực của
các ông bầu, của chính các huấn luyện viên nội, VFF lại chấp nhận việc kiêm nhiệm:
vừa huấn luyện câu lạc bộ, vừa huấn luyện hai đội tuyển quốc gia. Kết quả việc
kiêm nhiệm như thế nào, tất cả đều đã rõ. Đã đến lúc việc lựa chọn huấn luyện
viên cho đội tuyển cần theo hướng lựa chọn người chúng ta cần chứ không phải lựa
chọn người tốt nhất mà chúng ta có.
Nền bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tình yêu bóng đá của người dân Việt có lẽ không bao giờ thay đổi. VFF hãy dũng cảm thay đổi, hành động vì lợi ích của nền bóng đá nước nhà, vì tình yêu của hàng triệu con tim Việt Nam.
NGUYỄN TÂN KỶ
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Masan.