Những người yêu bóng đá nước nhà hy vọng bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở hai từ “chuyên nghiệp” mà bóng đá Việt Nam mang bên mình suốt nhiều năm qua.




NGUYỄN TÂN KỶ
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Masan


Nghề bóng đá là một trong những nghề, mà người lao động – các cầu thủ - phải làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ nhưng bù lại, được nghỉ hè và ở một số quốc gia châu Âu còn có cả nghỉ đông. Bởi vậy mới có người nói đùa việc kinh doanh bóng đá cũng theo mùa.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, các cầu thủ và đội bóng cũng có nghỉ Tết và nghỉ giữa hai mùa bóng. Thế nhưng dường như năm nay kỳ nghỉ giữa hai mùa bóng của một số đội bóng chuyên nghiệp thuộc giải V-League và Giải hạng nhất quốc gia Việt Nam có nguy cơ dài hơn thường lệ. Đã gần đến ngày bắt đầu mùa giải mới 2013, nhưng số phận của một số đội bóng vẫn chưa rõ ràng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF và đơn vị tổ chức giải VPF đã phải dời thời hạn đăng ký, thậm chí bỏ bớt một số thủ tục để khuyến khích các đội tham dự.

Nguyên nhân chính dẫn đến lý do ảm đạm cho mùa giải 2013 của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tựu trung lại đều do thiếu kinh phí, có đội bóng năm ngoái còn đang rất “hoành tráng” với những khoản chi lương, thưởng nay rơi vào cảnh nợ lương cầu thủ mấy tháng trời, có đội mất bao nhiêu công sức và tiền bạc để có một vị trí ở V-League, thì nay đang phải rao bán suất đá mà chưa tìm được người mua…

Vì sao bóng đá Việt Nam lại rơi vào tình cảnh này, khi mà mới chỉ cách đây một năm, trên khắp các mặt báo còn phủ kính thông tin về các vụ chuyển nhượng, tranh giành cầu thủ giữa các ông bầu, đẩy phí chuyển nhượng, lót tay, thù lao cho các cầu thủ nội…lên đến hàng tỉ đồng, rồi tranh chấp bản quyền truyền hình cho giải vô địch quốc gia…người yêu bóng đá nước nhà đã tưởng rằng bóng đá Việt Nam sắp được lên đời và có một tương lai tươi sáng tương xứng với sự say mê cuồng nhiệt của các cổ động viên. Thế nhưng sau chưa đầy một năm, hy vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu. Và nguyên nhân chính vẫn nằm ở hai từ “chuyên nghiệp” mà bóng đá Việt Nam mang bên mình suốt nhiều năm qua.

Đầu mùa bóng năm ngoái, báo chí tốn rất nhiều giấy mực viết về một ban tổ chức – công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp VPF được thành lập với các kế hoạch to lớn: như tự nuôi bóng đá, câu lạc bộ tham gia giải được chia tiền lãi, chia tiền bản quyền truyền hình…theo mô hình của các nền bóng đá phát triển. Người hâm mộ và yêu bóng đá nước nhà sung sướng nghĩ rằng, chúng ta sắp có được một nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa của nó. Nhưng dường như mọi người mới chỉ thấy VPF nổi bật trong các cuộc tranh luận đối đáp trên các phương tiện thông tin đại chúng, lúc với VFF, lúc với một công ty truyền thông đang nắm giữ bản quyền truyền hình. Tranh luận thì nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn chỉ xoay quanh hai chữ “quyền” và  “tiền”, chứ còn chưa thấy điểm sáng đáng kể nào trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng cho giải đấu như tiêu chí thành lập ban đầu của tổ chức này.

Tương tự như trong quản trị doanh nghiệp, các sáng lập viên ban đầu đều là những người đam mê và rất yêu doanh nghiệp mình tạo ra, nhưng khi doanh nghiệp phát triển, muốn nâng tầm trở thành tổ chức quy mô lớn hơn thì lại cần điều hành bởi những nhà tổ chức chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam được gắn hai chữ “chuyên nghiệp” từ rất lâu, nhưng từ trước đến nay đều do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF, những công chức nhà nước điều hành kiêm nhiệm. VPF ra đời, những tưởng sẽ mang lại tính chuyên nghiệp cho nền bóng đá quốc gia, nhưng ban điều hành của VPF là những ông bầu, những mạnh thường quân đam mê bóng đá nhưng họ làm bóng đá theo kiểu kiêm nhiệm bên cạnh công việc kinh doanh chính của mình. Không phủ nhận những đóng góp của các ông bầu cho nền bóng đá nước nhà, nhưng suy cho cùng họ là dân chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh chính của mình chứ nào phải chuyên nghiệp trong công việc kinh doanh bóng đá. Bởi đơn giản đã có đội bóng nào tuyên bố có lãi từ chính bóng đá đâu. Chính vì vậy mong muốn một kết quả chuyên nghiệp đến từ một đội ngũ nghiệp dư lại còn kiêm nhiệm cũng vẫn chỉ nằm ở hai chữ “kỳ vọng” mà thôi.

Các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam từ trước đến giờ chưa bao giờ tự nuôi được bản thân. Các câu lạc bộ đều sống nhờ vào nguồn tài trợ của đơn vị chủ quản hay của các ông bầu. Để bù lại các khoản chi ra, các đơn vị chủ quản hay các ông bầu dùng các đội bóng là công cụ quảng bá, tiếp thị cho địa phương, nhãn hiệu sản phẩm hay chính thương hiện cá nhân. Trong thời gian qua vì nhiều lý do chạy đua giữa các ông bầu mà giá cầu thủ, phí chuyển nhượng… bị đẩy lên quá cao so với mặt bằng chung của xã hội, chính đều này tạo nên áp lực ngược lại với những ông chủ đội bóng khi lĩnh vực kinh doanh chính không thuận buồm xuôi gió. Năm 2012 nền kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh chính của những ông bầu không như dự tính. Các chi phí được ưu tiên cắt giảm đầu tiên thường là những chi phí cho đầu tư dài hạn, những chi phí không tạo ra doanh thu, dòng tiền tức thời và các loại chi cho tài trợ đánh bóng tên tuổi…là những khoản chi đứng đầu danh sách cần cắt giảm này. Và thế là việc gì đến đã đến, các câu lạc bộ rơi vào cảnh không ai muốn nhận, còn các cầu thủ không biết tương lai đi đâu, về đâu, có còn được tham gia giải vô địch 2013 nữa không.

Bóng đá suy cho cùng cũng là công việc kinh doanh. Kinh doanh không thể bền vững nếu quanh năm thua lỗ, phải sống nhờ trợ giá, bóng đá cũng cần tự tạo ra nguồn thu đủ để tranh trải chi phí và lợi nhuận cho các ông chủ, cho các cổ đông – những người bỏ vốn vào đội bóng, đó mới chính là sự khác biệt giữa câu lạc bộ chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Nhưng liệu các câu lạc bộ có thể trở thành chuyên nghiệp không, khi hoạt động trong một tổ chức được vận hành bởi những người nghiệp dư và kiêm nhiệm. Xin nhường câu trả lời này cho tất cả những ai yêu bóng đá Việt Nam.


 
Top