Đội tuyển bóng đá Nga đã chính thức nói lời chia tay với vòng chung kết EURO 2012 sau trận đấu mà họ chỉ cần hoà cũng đủ để đi tiếp vào vòng trong. Bóng đá thú vị là vậy, đó không phải là nơi mà các cầu thủ hay cổ động viên có thể sử dụng phép bắc cầu hay các phép tính trong toán học để dự báo kết quả. Vì nếu theo phép bắc cầu Nga thắng Cộng hoà Czech, Cộng hoà Czech thắng Hy Lạp suy ra Nga cũng sẽ thắng Hy Lạp! Bóng đá luôn tạo ra những bất ngờ, nhưng sự bất ngờ mà đội tuyển Nga tạo ra cho các cổ động viên của mình lại không thú vị chút nào, nó chỉ toàn vị đắng! Từ một ứng viên sáng giá nhất của bảng A, đội tuyển Nga khởi đầu không gì thuận lợi hơn khi đè bẹp đối thủ nặng ký Cộng hoà Czech với tỷ số 4-1. Nhưng sau đó, họ đã để vuột mất chiến thắng trước Ba Lan và rồi để Hy Lạp, đội được coi là yếu nhất bảng, hạ gục ở trận cuối cùng đoạt vé vào tứ kết.


Bóng đá cũng như công việc kinh doanh luôn mang đến niềm vui cho người thắng và nỗi buồn cho người bại trận. Việc đội tuyển bóng đá Nga phải về nước sớm có thể bị coi là do chủ quan ngủ quên trên chiến thắng, nhưng nếu nhìn kỹ lại thì có lẽ lý do không chỉ dừng lại ở hai chữ “chủ quan”. Sau chiến thắng đội Cộng hoà Czech ngay trận đầu ra quân, những người yêu bóng đá Nga, bóng đá kỹ thuật, đã thích thú trước một lối đá đẹp với những đường chuyền một – hai, chọc khe tinh tế. Các bình luận viên còn liên tưởng đến lối đá tấn công tổng lực của Hà Lan những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Nhưng quả thực dù yêu bóng đá Nga, bóng đá Liên Xô trước đây, tôi vẫn cảm thấy đội tuyển Nga của huấn luyện viên Dick Advocaat vẫn thiếu một thứ, mà thứ này rất cần trong các cuộc đối đầu sinh tử mang tính quyết định. Đó chính là ý chí, sự quyết tâm, khát khao chiến thắng. Nhìn các cầu thủ Nga thi đấu, đẹp thì có đẹp, hay thì có hay, nhưng sao tôi không cảm thấy chất lửa. Điều này thể hiện rõ nét hơn ở lượt trận thứ hai với Ba Lan, dẫn trước 1-0 nhưng rồi lại để Ba Lan gỡ hoà và còn bị ép sân vào cuối trận. Và rồi với những gì xảy ra trong lượt trận cuối, tất cả đều đã rõ, trước một Hy Lạp sắt đá và bản lĩnh kiên cường, các chú gấu Nga đã gục ngã và nếu may mắn hơn tỷ số đã không chỉ là 1-0 cho Hy Lạp.

Quay trở lại chuyện kinh doanh, ngày nay ai ai cũng đều quen với khái niệm thương trường là chiến trường, nhưng hình như giữa nhận thức và hành động luôn có một khoảng cách và khoảng cách này không phải là nhỏ. Không ít doanh nghiệp đã thất bại trong cuộc đua tranh hôm nay không phải vì họ không có được những sản phẩm tốt, không có những con người giỏi. Cái thiếu ở đây chính là đội ngũ giỏi này thiếu lửa nhiệt tình, thiếu ý chí, chưa đủ khát khao chiến thắng, khi gặp những trở ngại, thách thức, áp lực sẽ rất khó vượt qua. Hay nói như Giáo sư Dave Ulrich – người được mệnh danh là “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới – chúng ta mới chỉ có người giỏi chứ chưa có được nhân tài. Nhân tài là những người không chỉ giỏi về chuyên môn mà quan trọng hơn là họ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình trong sứ mệnh của doanh nghiệp, của tổ chức, hay nói cách khác nhân tài thấy được ý nghĩa của cuộc sống trong công việc thực hiện mỗi ngày. Chính điều này hun đúc thành ý chí, thành bản lĩnh cho tổ chức. Kỹ năng siêu việt cộng với tinh thần máu lửa quả là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại của những người thắng cuộc.

Dick Advocaat đã xây dựng được một lối đá đẹp đậm chất kỹ thuật cho đội tuyển bóng đá Nga. Nhưng thành tích 16 trận bất bại liên tiếp có ý nghĩa gì khi chỉ một trận thua đã làm đột tuyển Nga trở thành kẻ thất bại tại EURO kỳ này. Cái mà Advocaat thiếu chính là ông chưa truyền được ngọn lửa khát khao chiến thắng cho các cầu thủ Nga. Và chính vì thiếu điều này nên Nga đã không vượt qua được Hy Lạp ở trận đấu sinh tử, trận đấu mà tinh thần và ý chí của các đấu sĩ Hy Lạp vượt trội hơn hẳn các chú gấu Nga.

Truyền lửa, khơi dậy tinh thần khát khao chiến thắng, ý chí không hài lòng với vị trí số 2 cho đội ngũ của mình chính là việc các huấn luyện viên, những người lãnh đạo cần phải làm. Đây là việc không dễ chút nào, nhưng nếu thiếu nó chắc chắn sẽ không có thành công. Chỉ sở hữu kỹ năng hay chuyên môn giỏi là hoàn toàn chưa đủ, gặp những tình huống khó khăn, trở ngại nếu không đủ bản lĩnh và nghị lực chắc chắn sẽ chùn bước và từ chùn bước đến thất bại là đoạn đường rất gần.

Bản lĩnh và nghị lực phải được hun đúc, bồi đắp và nuôi dưỡng bằng ý chí, bằng sự quyết tâm. Đây là việc cần được rèn luyện hàng ngày, hàng giờ để nó trở thành cách nghĩ, thành lẽ sống, còn nếu không cũng sẽ lại như những chú gấu say sưa giữa mùa hè sôi động mà thôi.


Nguyễn Tân Kỷ
 
Top