Ngày nay, một đội bóng khó có thể chiến thắng nếu chỉ duy trì một đội hình, một chiến thuật thi đấu. Cũng vậy, muốn thành công lâu dài, doanh nghiệp cần biết thay đổi và tự thay đổi.


Cần thay đổi...
Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã chính thức trở thành nhà cựu vô địch Giải vô địch các quốc gia Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup sau trận hòa không bàn thắng ở trận bán kết lượt về. Dù rất yêu quý huấn luyện viên Henrique Calisto và đội tuyển, nhưng nhiều người hâm mộ đã không mất tin tưởng vào khả năng lật ngược tình thế sau trận thua 0-2 tại Malaysia. Diễn biến trận đấu diễn ra trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình tối thứ bảy 18-12 vừa qua đúng như lo lắng của giới hâm mộ và các nhà chuyên môn.


Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho thất bại của đội tuyển. Đó là do thiếu vắng nhiều trụ cột vì chấn thương, vì thẻ phạt, do thủ môn thiếu tập trung nên đã biếu không cho đội bạn hai bàn thua, do lối chơi phòng thủ nhiều tầng nhiều lớp của Malaysia...Dù đưa ra lý do gì thì đội tuyển cũng đã thất bại, không hoàn thành mục tiêu giữ cúp ở lại Việt Nam. Có lẽ điều an ủi duy nhất là các cầu thủ của chúng ta đã thi đấu hết sức, chiến đấu đến cùng.

Nhìn lại giải đấu AFF Cup lần này, ngoài trận thắng dễ trước đội tuyển Myanmar non nớt tại vòng bảng, do huấn luyện viên đội bạn đã quá "ngây thơ" khi có ý định đá đôi công với dàn cầu thủ kỹ thuật của Việt Nam, ở các trận đấu còn lại, chúng ta đều gặp nhiều khó khăn và bế tắc trong khâu dứt điểm khi đối thủ chủ trương chơi phòng ngự với số đông cầu thủ bên phần sân nhà.

Đúng là tại giải đấu lần này, kỹ thuật cầm giữ bóng của các cầu thủ Việt Nam có phần nổi trội hơn cầu thủ các đội khác. Tuy nhiên, về khả năng dứt điểm, tạo đột biến thì chúng ta thua hẳn. Chỉ bằng một vài đường phản công sắc bén, các cầu thủ Philippines, Malaysia đã trừng phạt các thủ môn Việt Nam. Giữ bóng nhiều, sút cầu môn nhiều nhưng không ghi được bàn thắng có nghĩa là thất bại. Biết trước mặt là đá tảng mà vẫn cứ đâm đầu vào thì đâu phải là giải pháp thông minh.

Ngay sau trận thua Philippines tại vòng đấu bảng, thay vì tìm cách hóa giải lối chôi phòng ngự nhiều tầng của đối thủ, ông Calisto lại đổ lỗi cho cách chơi phòng thủ tiêu cực của đội bạn.

Còn nhớ, sau khi loại Barcelona ở bán kết UEFA Champions League mùa giải trước, khi bị các phóng viên chất vấn tại sao lại chọn lối đá phòng thủ nhiều lớp, huấn luyện viên của Inter Milan lúc đó là Jose Mourinho đã trả lời rằng đá đôi công với Barba chẳng khác nào tự sát, khi mà họ đang sở hữu những cầu thủ tài năng bậc nhất thế giới. Quả thực, đối với dàn cầu thủ của Barcelona hiện nay, nếu chơi đôi công sòng phẳng với họ thì sẽ cầm chắc một thất bại thảm hại. Chắc chắn ai cũng biết điều này, vấn đề là có làm được hay không mà thôi.

Đội tuyển Việt Nam thua vì sai lầm chiến thuật của huấn luyện viên, vì ông Calisto không còn sự lựa chọn nào khác, hay vì từ trước đến giờ đội tuyển của chúng ta chỉ có một bài tủ là giữ bóng, phối hợp nhỏ... Điều này chắc chỉ ông Calisto và ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam biết. Tuy nhiên, có một điều mà tất cả người hâm mộ đều biết rõ, nếu chúng ta không thay đổi, không có nhiều phương án chiến thuật khác nhau, không biết cách xuyên thủng một hàng phòng ngự kiên cố, chúng ta sẽ chẳng thể nào chiến thắng được các giải đấu ở khu vực Đông Nam Á, vùng trũng của bóng đá thế giới, chứ đừng nói đến giải đấu ở châu lục hay một giải đấu ở tầm thế giới như World Cup. Điều đó cũng lý giải tại sao huấn luyện viên Rajogabal trước trận lượt đi với Việt Nam tại Malaysia đã rất tự tin, khi ông tuyên bố đã quá hiểu đội tuyển Việt Nam và biết cách hóa giải lối chơi kỹ thuật của chúng ta. Và rất buồn cho các cổ động viên Việt Nam là ông đã đúng.

Lối đá kỹ thuật, phối hợp nhỏ, phòng ngự phản công đã giúp Việt Nam đoạt cúp năm 2008. Nhưng năm nay, lối đá này đã không thành công khi bị các đối thủ bắt bài, chủ động phòng thủ với số đông. Họ vây các cầu thủ Việt Nam, bắt chết hàng tiền vệ. Các hậu vệ biên của chúng ta phải làm việc liên tục, mất nhiều sức lực. Và khi có thời cơ, chỉ bằng một, hai đường bóng, các tiền đạo đội bạn đã có cơ hội tiếp cận cầu môn chúng ta. Chúng ta thua do không biết tự thay đổi bản thân.

Trong bóng đá hiện đại, ít có đội bóng nào giữ nguyên đội hình, một công thức chiến thắng sau một mùa giải thành công. Trước đây, đội hình chiến thắng của một đội bóng có thể duy trì qua 2-3 mùa giải, nhưng ngày nay, sau một mùa giải, nếu không có sự bổ sung cầu thủ hợp lý, đội bóng có giữ vững được phong độ.

... Và tự thay đổi
Kinh doanh cũng giống như bóng đá, sự cạnh tranh và môi trường kinh doanh ngày nay biến động với tốc độ chóng mặt. Doanh nghiệp muốn tồn tại phải luôn thay đổi để thích ứng

Hiện nay, thời gian thành công có thể đến nhanh gấp 2, gấp 3 lần các thập kỷ trước, đồng thời nguy cơ thất bại cũng nhanh không kém. Để tồn tại và phát triển bắt buộc doanh nghiệp phải luôn đổi mới, thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi mẫu mã, tính năng sản phẩm, nâng cấp các tiện ích...Cùng với sự thay đổi đó là yêu cầu về sự thay đổi, nâng cấp nguồn nhân lực.

Nếu cách đây 20 năm, đội hình của đội bóng vô địch gần như được giữ nguyên sau một mùa giải thì nay dường như không còn. Với sự thay đổi về luật quốc tịch, về chính sách chuyển nhượng cầu thủ, các ông chủ giàu có sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đô la đầu tư cho đội bóng để có được chức vô địch trong vài ba năm thay vì phải mất hàng chục năm như trước. Điều này cũng đang diễn ra trong kinh doanh, khi các đối thủ mới xuất hiện liên tục và mạnh mẽ, vị trí số 1 trong các ngành kinh doanh liên tục bị soán ngôi. Bên cạnh áp lực làm thế nào để giữ được người giỏi, không mất về tay các đối thủ cạnh tranh, còn là áp lực nâng cấp và phát triển nguồn nhân lực hiện có hoặc thu hút các nguồn nhân lực mới.

Thực tế cho thấy, để thành công, các doanh nghiệp phải kết hợp cả hai cách. Đó là vừa thay đổi và vừa tự thay đổi. Nếu chọn cách thay toàn bộ hệ thống nhân sự sẽ rất tốn kém và nguy cơ bị gián đoạn đà tăng trưởng là rất lớn. Còn nếu không thay đổi, bổ sung mà chỉ mong chờ vào sự tự thay đổi thì sẽ rất khó có sự phát triển đột biến.

Bản chất của con người luôn mong muốn sự ổn định. Nếu không bị sức ép phải thay đổi thì rất khó tự thay đổi hay nâng cấp chính mình. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sau khi thành công đã mau chống lụi tàn. Một phần do doanh nghiệp ngủ quên trên chiến thắng, một phần do doanh nghiệp nhầm tưởng sẽ tiếp tục thành công nếu vẫn vận hành theo cách cũ.

Sau thất bại tại AFF Cup 2010, huấn luyện viên Calisto tuyên bố sẽ tiến hành thay đổi nhân sự của đội tuyển một cách triệt để. Cụ thể, ông có ý định đưa 8-9 cầu thủ trẻ vào đội tuyển. Thay đổi nhân sự là bước thường thấy của các huấn luyện viên sau mỗi mùa giải thất bại. Nhưng chỉ thay các cầu thủ lớn tuổi bằng cầu thủ trẻ liệu đã đủ để bóng đá Việt Nam thành công. Tại sao chúng ta không thay đổi từ trước? Câu trả lời này xin dành cho các nhà chuyên môn. Theo tôi, nếu chỉ dừng lại ở việc thay đổi cầu thủ là chưa đủ. Bản thân ông Calisto và ban huấn luyện cũng cần tự thay đổi bản thân, tự nâng cấp mình. Nếu không, với cách đá hiện nay, e rằng sau mỗi giải đấu, chúng ta lại chỉ có thể tự an ủi rằng đội tuyển không gặp may và các cầu thủ đã làm hết sức thôi.

Thất bại là mẹ thành công. Nhìn thấy sai lầm sau khi thất bại, biết khắc phục để thành công có lẽ đã là điều quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Thế nhưng sau mỗi chiến thắng vẫn nhìn thấy thiếu sót, hoặc thấy được những thế mạnh hôm nay nhờ đó mà thành công, nhưng ngày mai lại có thể trở thành nguy cơ dẫn đến thất bại khi tình thế thay đổi thì không phải ai cũng thấy và dám hành động. Nhưng để tiếp tục thành công không thể cứ mãi duy trì một công thức chiến thắng. Bản thân người lãnh đạo nếu không muốn bị thay thế thì phải biết tự thay đổi, tự nâng cấp mình. Chỉ có như vậy người lãnh đạo mới có thể cùng doanh nghiệp đạt những thành quả to lớn hơn trong tương lai.

Nguyễn Tân Kỷ


 
Top