(TBKTSG) - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2008 ghi nhận chiến thắng của ông Barack Obama - vị tổng thống người da màu đầu tiên của quốc gia giàu có nhất thế giới. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho chiến thắng của ông, trong đó có một điều mà người ta hay nhắc đến, chính là câu khẩu hiệu mà ông và những người ủng hộ đã sử dụng trong suốt thời gian vận động bầu cử: “Chúng ta cần sự thay đổi” (Change we need). 

Quả thực ông đã đánh trúng vào tâm lý mong muốn thay đổi của người dân Mỹ trong thời điểm hiện nay. Về chính trị, Mỹ đang gặp những bất lợi trong việc giải quyết các vấn đề ở Iraq, trong quan hệ với Nga... trong khi nền kinh tế thì đang rơi vào khủng hoảng và suy thoái. Chính phủ của Tổng thống G. Bush đã đánh mất niềm tin của cử tri Mỹ và Obama xuất hiện, tận dụng thành công cơ hội quý báu này. 

Quay trở lại chuyện kinh tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi sự thay đổi diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thị trường thế giới chứng kiến giá dầu sụt giảm 72% giá trị chỉ trong vòng năm tháng. 

Hay như ở Việt Nam, tám tháng đầu năm 2008, chúng ta còn dồn sức để chống lạm phát, thì bốn tháng cuối năm Chính phủ lại phải dùng những biện pháp kích cầu, giảm lãi suất cho vay... để tránh cho nền kinh tế không bị suy giảm. 

Yêu cầu phải có sự thay đổi đã không còn do ý muốn của chúng ta nữa. Nếu không thay đổi kịp, chúng ta sẽ bị bỏ lại và loại khỏi cuộc chơi. Điều này hiện nay đang đúng hơn bao giờ hết. 

Để vượt qua khủng hoảng và phát triển, nền kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cần phải thay đổi. Điều đầu tiên cần thay đổi có lẽ là trong chính nhận thức và tư duy. Những phương án, cách thức kinh doanh cũ có thể đã không còn phù hợp. 

Ngay như thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith - lý thuyết được coi là nền tảng của kinh tế thị trường, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, đã không áp dụng được trong thị trường tài chính phố Wall hiện nay, nơi đang tràn ngập những sản phẩm tài chính phức tạp và rất khó định giá, khi mà sự theo đuổi lợi nhuận thông qua cạnh tranh của các doanh nghiệp không thúc đẩy lợi ích và sự phát triển của cộng đồng, xã hội. 

“Các bạn đừng cố gắng theo đuổi mục tiêu tốt nhất hay mạnh nhất vì sẽ không có cái gì là tốt nhất hay mạnh nhất cả mà thay vào đó hãy trở thành duy nhất hay độc đáo nhất. Đó mới chính là con đường dẫn đến thành công”.
Michael Porter
Ở góc độ kinh tế khác nhỏ hơn, như trong ngành hàng mì ăn liền của Việt Nam chẳng hạn, hiện có rất nhiều nhãn hiệu với hàng trăm loại bao bì, hương vị đang chen chân trên quầy kệ nhằm chiếm một sự chú ý nhỏ nhoi trong tâm trí của người tiêu dùng. 

Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn tiếp tục đưa ra những loại mì ăn liền truyền thống với các hương vị như heo, tôm, bò, gà... trên bao bì là hình ảnh tô mì nghi ngút khói với những con tôm hay miếng thịt, ngoài ra không có một thông điệp gì mới lạ nổi bật ngoài chuyện ăn liền và ngon... thì cơ hội thành công sẽ vô cùng nhỏ nhoi. 

Muốn thành công, sản phẩm của bạn phải có sự độc đáo mà các sản phẩm khác không có hay không sở hữu được. Bạn cần thay đổi, tạo dựng những câu chuyện mới, ý niệm mới về sản phẩm hay tạo ra cuộc chơi mới mà chính bạn là người tiên phong, dẫn dắt. Chỉ khi đó bạn mới có cơ hội là người chiến thắng.


Điều này cũng đã được Michael Porter - cha đẻ của chiến lược cạnh tranh - khuyên các doanh nhân Việt Nam trong dịp ông sang thăm Việt Nam mới đây: “Các bạn đừng cố gắng theo đuổi mục tiêu tốt nhất hay mạnh nhất vì sẽ không có cái gì là tốt nhất hay mạnh nhất cả mà thay vào đó hãy trở thành duy nhất hay độc đáo nhất. Đó mới chính là con đường dẫn đến thành công”.

Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, không phải là không có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Như trong cơn khủng hoảng tài chính tại Mỹ vừa qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam có cơ hội thu hút nhiều nhân sự cao cấp là những Việt kiều, sinh viên Việt Nam du học và làm việc tại Mỹ về đầu quân. 

Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Mỹ, qua châu Âu, Nhật vẫn tiếp tục lan rộng đến các nước châu Á thì cũng là lúc các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu hút được nhân sự quản lý cấp cao từ những nước phát triển. Đây chính là cơ hội để chúng ta có được những nhân sự giỏi và chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình. Khủng hoảng tại các nước phát triển cũng sẽ làm giảm đi sức mạnh của các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để vượt qua khó khăn, tăng trưởng và lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài sau này.

Giai đoạn này cũng là dịp để các doanh nghiệp đánh giá lại công việc kinh doanh, chọn lựa những lĩnh vực thực sự hiệu quả để đầu tư. Trong mấy năm qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng quá mức, xa rời lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình. Điều này trong ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận không nhỏ, thậm chí lớn và dễ hơn cả lĩnh vực kinh doanh chính. Có không ít trường hợp kiểu như công ty phần mềm góp vốn mở công ty chứng khoán, tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng; doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đầu tư vào địa ốc, chứng khoán... Nhưng đến khi cơn bão tài chính xảy ra, chính các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng đầu tiên do thua lỗ từ các khoản đầu tư vào những lĩnh vực không có thế mạnh. 

Ở đây nên chú ý một điều, tuy rằng thay đổi là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nhưng cần phải dựa trên chiến lược phát triển dài hạn. Nếu cần thiết, chỉ nên thay đổi các phương pháp hay cách thức đạt mục tiêu, chứ đừng thay đổi mục tiêu. Thực tế cho thấy trong năm 2008, những doanh nghiệp có chiến lược và tầm nhìn dài hạn dựa trên các thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của mình, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong khi toàn thị trường sụt giảm.

Ngày hôm nay có lẽ hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng cần phải thay đổi, nhất là trong tình hình khủng hoảng và suy giảm kinh tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng dường như chúng ta vẫn còn sức ì do tâm lý ngại sự thay đổi. Thậm chí, phần lớn những thay đổi, không chỉ của các doanh nghiệp, trong thời gian qua đều là do sức ép từ môi trường bên ngoài chứ không phải nhằm mục tiêu phát triển và tăng trưởng. Tất nhiên ai cũng hiểu để phát triển được, đầu tiên phải tồn tại, nhưng nếu chúng ta chỉ thay đổi một cách thụ động như vậy thì chắc rằng sẽ bỏ qua nhiều cơ hội thành công. Chủ động thay đổi để đón đầu mọi sự biến động sẽ tạo ra nhiều cơ hội trở thành người chiến thắng. 

Xuân Kỷ sửu đánh dấu hai năm Việt Nam gia nhập WTO. Dù rằng thời gian qua chúng ta gặp không ít khó khăn và có thể quãng đường đi đến thành công sẽ dài hơn, gập ghềnh hơn dự liệu ban đầu, nhưng khát vọng vươn lên của cả dân tộc vẫn còn nguyên đó. Và nếu chúng ta chịu thay đổi và chủ động thay đổi thì nhất định sẽ thành công.

NGUYỄN TÂN KỶ
 
Top