Thời đại của TỐC ĐỘ

Trong thời đại ngày nay, nếu chậm một bước, chúng ta không chỉ mất cơ hội của bước đó mà còn có khả năng mất thêm các cơ hội tiếp sau nữa. Những cơ hội đó có khi còn lớn hơn rất nhiều so với những mất mát có thể xảy ra do chúng ta phải quyết định nhanh.

·         Nguyễn Tân Kỷ

Trong kỷ nguyên thông tin của thế kỷ 21, khi toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ trong một thế giới mà những rào cản thương mại đang dần được tháo bỏ, khoảng cách địa lý giữa các quốc gia đang như ngắn lại hay như Thomas L. Friedman ví von là đã trở nên ngày càng “phẳng” hơn. Chính trong thời đại này, tốc độ tăng trưởng, phát triển đã trở thành lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các quốc gia. Chính tốc độ phát triển là vũ khí mà nhờ nó các doanh nghiệp non trẻ, sinh sau đẻ muộn có cơ hội đuổi kịp và qua mặt các doanh nghiệp với lịch sử cả trăm năm. Như trường hợp của Microsoft - một công ty nếu so về bề dày thì còn lâu mới bằng những đại gia như General Electric, Ford hay Toyota. Chỉ sau chưa đầy 30 năm Bill Gates đã đưa đế chế Microsoft lên ngôi vị số một và bản thân ông trở thành người giàu nhất hành tinh. Hay như hai chàng trai Lary Page và Sergey Brin bắt đầu sự nghiệp với trang web tìm kiếm Google tại một garage cũ chỉ cách đây tám năm, nhưng hiện nay Google đã trở thành đại gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hay một câu chuyện khác gần với chúng ta hơn trong lĩnh vực sản xuất ti vi. Cách đây chỉ vài năm tên tuổi của Samsung không là gì so với Sony. Sony lúc đó đang chiếm ngôi đầu bảng với phát minh bóng đèn hình phẳng. Rồi công nghệ LCD ra đời, nhưng vì nhận định sai về sự phát triển của dòng ti vi LCD nên Sony vẫn tiếp tục say sưa trong ánh hào quang chiến thắng của dòng ti vi màn hình phẳng Trinitron. Trong khi đó, Samsung lặng lẽ nghiên cứu phát triển dòng ti vi LCD nhằm đón đầu tương lai. Đến khi Sony giật mình nhìn lại thì họ đã bị Samsung bỏ quá xa trong lĩnh vực ti vi LCD. Để không bị loại ra khỏi thị trường này, Sony đành kết hợp với Samsung sản xuất màn hình cho dòng ti vi LCD Bravia của họ. Thế nhưng, trong khi Sony mới chỉ có được một dòng sản phẩm thì Samsung đã kịp trình làng ba dòng sản phẩm trong thời gian chưa đến nửa năm. Quả là tốc độ phát triển sản phẩm đáng kinh ngạc. Nhớ lại, Samsung không phải là người đầu tiên trình diễn công nghệ ti vi LCD, nhưng bằng định hướng đúng cộng với tốc độ phát triển ngoạn mục Samsung đã bứt phá để trở thành một trong những nhà sản xuất ti vi LCD hàng đầu thế giới.


Ngày hôm nay có lẽ điều quan trọng  không phải là ai làm ra sản phẩm trước mà là cách thức làm như thế nào. Ở Việt Nam, vài năm trước đây khi nói đến bánh trung thu là ta nghĩ ngay đến Đồng Khánh. Chẳng phải thế mà có tờ báo đã tổng kết có đến gần 20 nhãn hiệu khác nhau có liên quan đến cái tên Đồng Khánh. Thế nhưng gần đây, thị trường bánh trung thu đã phải nhường cho tên tuổi mới nổi: Kinh Đô. Chính Kinh Đô đã đưa ra những tiêu chuẩn mới về kiểu dáng, bao bì, cách thức đóng gói và cách thức quảng bá thương hiệu cho bánh trung thu truyền thống. Trong khi bánh trung thu của rất nhiều cơ sở vẫn được làm theo kiểu thủ công thì Kinh Đô đã áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp. Các cơ sở khác chỉ mới quảng cáo bằng các băng rôn treo tại quầy hàng hay trên mặt báo thì Kinh Đô đã chạy các phim quảng cáo trên sóng truyền hình… Quả là một cuộc tấn công tổng lực để thu ngắn thời gian và khoảng cách. 

Trong thời đại công nghệ thông tin, việc rút ngắn được thời gian là một yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp. Ngày hôm nay việc phải chọn lựa giữa hai yếu tố nhanh và tiết kiệm thì gần như yếu tố nhanh đang thắng thế.  

Để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, chắc chắn các doanh nghiệp phải có một chiến lược với tầm nhìn xa và chấp nhận những khoản đầu tư không nhỏ. Là những người đi sau, cần phải có một cách tiếp cận khác và đi nhanh hơn người bình thường mới có cơ may thu hẹp khoảng cách và có cơ hội vượt lên. Nếu chỉ đi bằng với tốc độ của người đi trước, làm giống những gì người khác đã làm, không có sự đổi mới, sáng tạo thì rất khó có cơ hội đuổi kịp chứ đừng nói đến chuyện vượt qua. Một trong những đặc điểm của các công ty có tốc độ tăng trưởng cao là sở hữu được một đội ngũ những con người có khả năng xử lý nhiều công việc một lúc với tốc độ cao. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc rút ngắn được thời gian là một yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp. Ngày hôm nay việc phải chọn lựa giữa hai yếu tố nhanh và tiết kiệm thì gần như yếu tố nhanh đang thắng thế. Cùng nghiên cứu triển khai một sản phẩm mới, nếu một công ty phải mất sáu tháng với một mức chi phí thấp hơn chưa chắc đã bằng một doanh nghiệp chỉ mất ba tháng với chi phí cao hơn. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế do việc ra đời sớm hơn có thể mang lại đủ sức bù đắp khoản chi phí tăng thêm, còn là việc nắm bắt được các cơ hội kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào thế phải rượt đuổi.


Tất nhiên để thực hiện được những điều trên, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình một đội ngũ nhân sự trẻ và chuyên nghiệp. Trẻ ở đây không chỉ là về tuổi tác mà là sức trẻ trong tư duy, trong tiếp cận cái mới, trong việc tận dụng các cơ hội kinh doanh. Để phát triển, công ty cần có những bộ óc, những tư duy trẻ. Nếu giám đốc trẻ tuổi nhưng không duy trì được mức tăng trưởng  như mong muốn thì cũng sẽ phải nhường chỗ cho những người khác. Cũng cần nói thêm, việc thay đổi môi trường mới cũng là chất xúc tác thúc đẩy con người suy nghĩ, sáng tạo và phát triển nâng tầm. Hay nói cách khác, một người dù sung sức, giỏi giang nhưng nếu cứ làm mãi một công việc, ở mãi một chỗ chắc chắn theo thời gian sẽ dễ đi vào lối mòn trong suy nghĩ và hành động. Chính vì thế mà ở các tập đoàn đa quốc gia, ở các vị trí chủ chốt luôn có chính sách nhiệm kỳ, luân chuyển giữa các địa bàn hay các công việc khác nhau. Trên bình diện quốc gia cũng vậy, tổng thống hay thủ tướng đều có giới hạn số năm làm việc.

Quả thực để có được mức tăng trưởng cao, các doanh nghiệp rất cần những bộ óc trẻ với tư duy mới đầy sáng tạo. Chính những con người này sẽ làm công ty luôn phát triển lao về phía trước và đạt được những kỳ tích mới trong tương lai. Phát hiện, ươm mầm hay thu hút, bồi dưỡng tất nhiên là việc các doanh nghiệp cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục, tuy nhiên một việc không kém phần quan trọng khác là cần làm thế nào để luôn duy trì được tính “mới” trong cách suy nghĩ và hành động của cả bộ máy, nhất là trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất. Ở tầm vĩ mô cũng vậy, cần có những bộ óc với tư tưởng cách tân, những con người với tư duy chiến lược sắc bén. Trong thời đại ngày nay, nếu chậm một bước, chúng ta không chỉ mất cơ hội của bước đó mà còn có khả năng mất thêm các cơ hội tiếp sau nữa. Những cơ hội đó có khi còn lớn hơn rất nhiều so với những mất mát có thể xảy ra do chúng ta phải quyết định nhanh. 

Ngày hôm nay có lẽ điều quan trọng không phải là ai làm ra sản phẩm trước mà là cách thức làm như thế nào.

Đến đây tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ của một nước châu Phi về loài linh dương và sư tử được nhắc đến trong cuốn Thế giới phẳng của Friedman. Mỗi sáng thức dậy, con linh dương đều nghĩ rằng mình sẽ phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, mới có cơ hội tồn tại trong ngày hôm đó; còn con sư tử lại nghĩ rằng nó cần phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất mới không bị chết đói. Kết luận, không cần biết mình là linh dương hay sư tử, chỉ biết rằng chúng ta phải chạy nhanh nhất, chúng ta sẽ là người chiến thắng. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, tận dụng được cơ hội do WTO mang lại, cộng với một chút may mắn thì vị trí thứ 17 của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới vào năm 2025 theo dự báo của Tổ chức Tài chính Goldman Sachs không phải là chuyện không thể thực hiện được.



 
Top