Trong dịp giao lưu với sinh viên Việt Nam hồi tháng 11-2006, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Henry Paulson có ba lời khuyên dành cho thế hệ trẻ, trong đó lời khuyên đầu tiên là hãy luôn coi thay đổi là bạn đồng hành, đừng bao giờ ngại phải thay đổi. Ông nói thêm, Việt Nam đang trong quá trình phát triển và thay đổi, nên điều này lại càng quan trọng hơn.



Nguyễn Tân Kỷ

            Có lẽ lời khuyên của ông Henry Paulson không chỉ dành cho 1.000 bạn trẻ trong buổi giao lưu hôm đó. Bởi sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta phải đối mặt với sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh chóng và rộng lớn trong mọi lĩnh vực.

Chuẩn bị về tâm lý và định hướng hành động

Về mặt tâm lý, đa phần trong chúng ta rất ngại sự thay đổi. Tuy chúng ta đã đổi mới được hơn 20 năm nhưng những dấu ấn của nền kinh tế kế hoạch vẫn còn trong cách suy nghĩ cũng như hành động của nhiều người, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Gia nhập WTO là cam kết thay đổi hàng loạt các chính sách, luật lệ, thể chế kinh tế để phù hợp với thông lệ quốc tế. Nguyên tắc căn bản của WTO là công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử. Từ nay, những chuyện kiểu “trong nhà ta biết” chắc chắn sẽ phải theo lộ trình mà xóa bỏ. Chính phủ đã cam kết, và nếu không thực hiện đúng như vậy, nước ta sẽ bị các nước trừng phạt nặng về kinh tế và lớn hơn nữa đó là uy tín của quốc gia sẽ sụt giảm. Vì thế lãnh đạo mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị cho bản thân mình và mọi nhân viên tâm lý sẵn sàng và chủ động cho sự thay đổi. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước phải chủ động đổi mới, cải cách thể chế kinh tế nhằm phát huy nội lực và hội nhập bên ngoài như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết nhân sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Thay vì lo lắng vì sự thay đổi thì hãy đón nhận nó, hãy dành mọi tâm trí và sức lực để chế ngự và quản lý nó.

Chỉ thay đổi nhận thức và quan điểm không chưa đủ, chúng ta cần tỉnh táo phân tích và đánh giá những gì sẽ chờ đón mình sắp tới để tìm ra định hướng chiến lược và hành động ngay. Lấy thí dụ trong  lĩnh vực ngân hàng, theo lộ trình cam kết mở cửa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, kể từ sau ngày 1-4-2007 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam. Và chúng ta chỉ còn năm năm để chuẩn bị trước khi hàng rào cuối cùng là tỷ lệ huy động tiền đồng sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2011, khi đó ngân hàng Việt Nam và nước ngoài hoàn toàn bình đẳng. Liệu trong năm năm tới đây các ngân hàng Việt Nam có đủ sức giữ vững mức tăng trưởng hay không? Câu trả lời tạm thời có thể gác lại sau vài năm nữa, nhưng ngay từ bây giờ các ngân hàng Việt Nam đã phải lo ngay vấn đề nhân lực rồi. Các ngân hàng thương mại nhà nước trước đây đã luôn đau đầu vì là “trường đào tạo nhân sự miễn phí” cho các ngân hàng thương mại cổ phần thì nay đến lượt nhân sự của cả các ngân hàng cổ phần lại cũng là đối tượng chiêu dụ của các ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài mở ra trong nay mai. Ngoài ra, ngay từ bây giờ, các ngân hàng Việt Nam cũng nên nghĩ đến việc sử dụng nhân sự nước ngoài trong thời gian tới cho các vị trí cao cấp. Tất nhiên để làm được điều này, ngoài vấn đề về mức lương cho các nhân sự nước ngoài, chúng ta phải vượt qua được các rào cản về ngôn ngữ, thói quen trong suy nghĩ, tập quán kinh doanh...

Xu hướng các công ty toàn cầu hiện nay là chỉ sở hữu nhãn hiệu, công nghệ và hệ thống phân phối. Họ chuyển giao dần phần sản xuất, chế biến, đóng gói - phần lao động “cực nhọc” tốn nhiều nhân công và diện tích nhất cho những nước đang phát triển để tận dụng lực lượng lao động, mặt bằng với chi phí thấp. Có thể trong thời gian tới đây, cũng như trường hợp của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Việt Nam cũng sẽ là điểm trú chân của các đại nhà máy, đại công xưởng. Biết rằng đây là công đoạn khó khăn và có phần giá trị gia tăng thấp nhất, nhưng có lẽ nó là đoạn đường mà mỗi nước phát triển đều phải trải qua. Vấn đề là tận dụng điều đó như thế nào để có lợi nhất cho sự phát triển cả trên bình diện quốc gia lẫn doanh nghiệp.

Tập trung nguồn lực cho thế mạnh

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì những lợi thế cạnh tranh trước mắt, chúng ta cũng cần tìm kiếm cơ hội ở những mặt mạnh của mình trong hiện tại và tương lai. Một thị trường 85 triệu dân với hai phần ba trong độ tuổi dưới 30 sẽ là một tiềm năng lớn bổ sung cho đội ngũ lao động trình độ cao nếu chúng ta đầu tư đúng ngay từ bây giờ. Đào tạo luôn là vấn đề nhức nhối của chúng ta. Nhiệm vụ của Chính phủ là mở cửa hơn nữa lĩnh vực đào tạo, chấp nhận sự điều tiết của cơ chế thị trường trong đào tạo kỹ thuật và đại học. Mục đích là thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn theo yêu cầu của thị trường. Có thể xem xét mô hình kết hợp đào tạo giữa trường đại học và các doanh nghiệp với các giảng viên thỉnh giảng chính là những người đang làm việc thực tế tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng nên tập trung nguồn lực vào những gì mình mạnh nhất, dũng cảm bỏ bớt, bán đi những gì mình không mạnh hay chưa đủ nguồn lực để thực hiện tại thời điểm này. Tôi không nghĩ người Nhật có thể nấu phở ngon hơn người Việt được. Hay không nhẽ người châu Âu lại làm nước mắm ngon hơn người Việt. Nhưng có điều chúng ta cần chấp nhận, họ có thể nấu phở không ngon hay pha nước mắm không đạt như chúng ta, nhưng họ có thể cùng sở hữu hay thậm chí sở hữu hoàn toàn các tiệm phở hay các công ty nước mắm của chúng ta. Suy cho cùng, trong thế giới toàn cầu hóa điều đó có nghĩa gì, nếu như nhờ thế phở hay nước mắm Việt Nam có cơ hội được giới thiệu cho toàn thế giới. Tất nhiên đó chỉ là một vài thí dụ vui, điểm chính yếu ở đây là mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp cần xác định cho mình thế mạnh mà người khác, công ty khác khó lòng bắt chước, hay khi họ làm được chúng ta đã vượt lên những cái khác rồi. Làm được điều này chắc chắn chúng ta không những chỉ tồn tại mà còn nằm trong số những người hưởng lợi từ toàn cầu hóa.      

Toàn cầu hóa không thiếu những mâu thuẫn và sự bất bình đẳng nhưng nếu chúng ta cứ loay hoay suy nghĩ về sự bất công đó, chính chúng ta sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi. Thay vì vậy, chúng ta hãy vui vẻ đón nhận sự thay đổi, chấp nhận luật chơi để tìm ra trong đó cơ hội vươn lên

 
Top