Khi nhà báo rẽ ngang và
doanh nhân viết báo

Sự hoán chuyển vị trí một cách thú vị này giữa nhà báo và doanh nhân đã làm cho cả nghề doanh nhân lẫn nghề viết báo có thêm sự phong phú, đa dạng vốn rất cần cho cuộc sống. Người từ bỏ nghề báo ra làm doanh nhân đều có những lý do riêng, nhưng với họ, khoảng thời gian đẹp nhất vẫn là đời làm báo. Còn doanh nhân khi cầm bút lại cống hiến cho làng báo những bài viết sâu sắc, thực tế. Nhân kỷ niệm 81 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng lắng nghe họ trò chuyện để cảm nhận về họ.


Trong lúc trà dư tửu hậu, có ông bạn  lớn tuổi buông một lời bình dí dỏm về các thú vui giải trí của giới mày râu. Anh nói: “Kể cũng thú vị, có người giải trí bằng cách vác vợt ra sân tennis, kẻ thì ôm cần ngồi cả ngày chờ mấy con tôm, con cá, người thì say mê gây sòng xòe quạt… còn riêng ‘tên này’ lại thích giải trí bằng cách mài bút chuyện đông, tây”. Tuy chỉ là lời nói vui, nhưng đối với tôi quả có phần đúng như vậy. Mỗi lần chuyển được những kinh nghiệm hay suy nghĩ của bản thân thành những bài viết  tôi đều thấy vui vẻ, phấn chấn. Càng vui hơn khi nhận được những lời chúc mừng, chia sẻ của bạn bè, người quen và cả những người chưa biết mặt qua những bài báo của mình. Những niềm vui nho nhỏ này đã giúp tôi vơi đi những căng thẳng trong công việc và cuộc sống.

Bài viết của tôi thường đề cập các vấn đề đã và đang xảy ra trong phần lớn các doanh nghiệp. Có những điều tôi đã trải qua, có những cái là chuyện của những người bạn doanh nhân. Có lẽ vì vậy nên các bài viết của tôi thường đón nhận được nhiều sự quan tâm từ giới doanh nhân.

Là công việc trí óc, kinh doanh hay viết báo cũng đều cần phải động não và hao tâm tổn trí. Tuy nhiên, theo tôi, nghề kinh doanh đòi hỏi phải làm bằng cả trái tim và khối óc. Người ta thường hay nhắc đến cụm từ “may mắn” khi nói về một doanh nhân thành đạt, nhưng để có thể có được hai từ này, anh cũng đã phải “cày” cật lực, tính toán đến bạc cả đầu và còn cần có một linh cảm tuyệt vời. Trong khi đó, người viết báo chuyên nghiệp cần có kỹ năng, kỹ thuật viết và cũng cần có cả cảm xúc. Cũng như người tiêu dùng, độc giả ngày càng khó tính, họ mong muốn các bài báo không chỉ cung cấp cho họ thông tin đơn thuần mà còn quan tâm đến cách thể hiện, trình bày và cả cách chuyển tải thông tin đó như thế nào. Ngoài ra họ còn mong muốn những thông tin này không chỉ đúng, mà còn phải có hồn, phải mang hơi thở của cuộc sống.

             Một trong những bài để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất chính là bài “Sức trẻ - Tuổi xuân” đăng trên số Xuân Bính Tuất của Thời Báo Kinh tế Sài Gòn. Xuất phát từ những cảm nghĩ về tương lai, về vận mệnh của đất nước và vai trò của thế hệ trẻ trước ngưỡng cửa hội nhập WTO, bài báo nhận được sự chia sẻ của khá nhiều bạn đọc. Còn cảm giác không vui và bực bội khi “đứa con tinh thần” của mình bị cắt xén quá tay hay chỉnh sửa đến sai lệch cả ý, cũng không phải là không có. Nhưng rất may, đối với tôi, những tình huống như vậy chỉ là hãn hữu.



 
Top