Thách thức đối với các doanh nghiệp là làm sao tìm được người tài và giữ chân họ ở lại với mình 

Việc nhân viên đến rồi lại đi luôn xảy ra trong bất cứ doanh nghiệp nào. Bạn đã làm gì để có và giữ được người tài


Nguyễn Tân Kỷ

Nhìn lại sự hình thành của các doanh nghiệp Việt nam, phần đông đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với thời gian hoạt động chưa lâu. Cùng với sự phát triển của đất nước quy mô các doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. 
Với số vốn và nhân sự ít ỏi ban đầu, ngày nay có doanh nghiệp đã có cả trăm, ngàn nhân viên, sở hữu những dây chuyền công nghệ tiên tiến.

Người tài: đến rồi đi!

Tuy nhiên trong sự phát triển nhanh chóng về quy mô đó, không ít doanh nghiệp đã và đang vướng phải các bài toán về nhân sự cao cấp. Bộ máy cũ và những con người cũ đã trở nên không đủ cho những đòi hỏi mới. Thiếu người tài, thiếu những cộng sự đủ tầm, đủ trí và đủ tâm để cùng chủ doanh nghiệp, cùng các sáng lập viên lèo lái con thuyền doanh nghiệp luôn là điều đáng bận tâm.
Cùng cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài là hàng loạt các công ty nước ngoài. Họ vừa có tiền, vừa có kinh nghiệm trong cuộc đua tranh dành nhân tài này và vì vậy phần nào phần thắng đang tạm nghiêng về phía họ.
 Tuy vậy, cũng cần phải kể đến mặt lợi của việc ganh đua này. Chính môi trường chuyên nghiệp của các công ty đa quốc gia giúp chúng ta đào tạo được một lớp nhân sự có trình độ quốc tế.
Và cũng trong cuộc chạy đua tìm kiếm người tài, các doanh nghiệp Việt Nam đã học được nhiều điều từ các công ty nước ngoài. Trước đây chúng ta chỉ tưởng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam thua các công ty nước ngoài vì chúng ta không đủ ngân sách trả lương, tuy nhiên vấn đề không chỉ là ở tiền.
Đã có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đồng ý trả lương cao cho các vị trí chủ chốt ngang bằng thậm chí còn có phần cao hơn một vài công ty nước ngoài để kéo họ về, thế nhưng người nhanh thì vài ba tuần, người lâu thì dăm ba tháng cũng đều lần lượt ra đi.

Chuyển đổi phong cách quản lý khoa học hơn

Vậy phải làm thế nào đây để nhân tài đến và ở lại ? Thu hút được người tài đã khó nhưng giữ được và để họ có thể phát huy toàn bộ khả năng của mình cho sự phát triển của công ty còn khó hơn.
Để làm được điều này, trước tiên, chúng ta cần phải có những bước chuẩn bị tạo điều kiện, tạo môi trường chào đón người tài.
“Đất có lành, chim mới đậu”. Đừng để doanh nghiệp mình chỉ là nơi trú chân tạm thời.
Hãy tạo những thể chế, quy định cụ thể rõ ràng về trách nhiệm quyền hạn, về các sơ đồ tương tác giữa các phòng ban bộ phận, về hệ thống mô tả công việc, cách thức đánh giá nhân viên… Nói cách khác, chuyển đồi phong cách quản lý kiểu gia đình sang cách quản lý theo khoa học.
Tất nhiên làm được điều này không phải là dễ dàng, nhất là đối với những công ty đã quen theo cách làm việc tắt, bỏ bước không tuân thủ các quy trình, quy định.
Có điều kiện, bạn hãy áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, đây là một cách hữu hiệu giúp phân định rạch ròi trách nhiệm và quyền hạn của bộ máy. Làm được những điều này chính là tạo được điều kiện thuận lợi cho nhân tài cống hiến và phát huy năng lực.

Đãi ngộ theo nhiều hình thức

Ngày hôm nay nói đến hệ thống lương bổng và phúc lợi chúng ta không chỉ gói gọn các khoản tiền hay thưởng mà là một loạt những hình thức đãi ngộ khác nhau nhằm thu hút và giữ người tài ở lại với doanh nghiệp.
Các hình thức đãi ngộ được các công ty áp dụng rất phong phú, có doanh nghiệp sử dụng những khoản thưởng lớn kèm các cuộc du lịch nước ngoài cho cả gia đình, có nơi thì sử dụng hình thức tiết kiệm hay bảo hiểm có kỳ hạn, có công ty là học bổng cao học hay bảo hiểm y tế toàn phần, chia sẻ quyền đầu tư, quyền điều hành doanh nghiệp…
Thời đại thông tin ngày nay, mọi việc đều thay đổi rất nhanh, nhu cầu của con người cũng không nằm ngoài quy luật này. Chính vì vậy có thể những hình thức đãi ngộ hôm qua có thể mang lại hiệu quả rất cao, nhưng hôm nay đã không còn tác dụng mạnh.
Tuy thế, sự đối đãi chân tình có lẽ sẽ luôn được đền đáp.
Trong quá trình tìm kiếm và thu hút nhân tài từ bên ngoài, bạn đừng quên có một lực lượng ngay trong chính nội bộ doanh nghiệp mình, những con người đã cùng doanh nghiệp vượt qua bao thác gềnh. Hãy chú ý đào tạo và phát triển họ, nếu thành công chúng ta sẽ có những “cầu thủ nội” tuyệt vời
Một doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp có sự tiếp nối của các thế hệ, sức trẻ, kết hợp với kinh nghiệm. Ngoài những yếu tố kể trên, tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo cũng là một thế mạnh cho các doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng.
Chất chứa trong tâm mỗi người con đất Việt là khát vọng muốn vươn lên, muốn làm một điều gì đó dạng danh đất nước, dạng danh dân tộc và cho cả bản thân.
Rất mừng là ngày càng có thêm những dòng chảy chất xám ngược từ những công ty nước ngoài về các công ty Việt Nam.
Và cuối cùng đừng quên rằng thủy thủ đoàn dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa, nếu không có người thuyền trưởng tài ba, con tàu cũng khó vượt sóng.

 
Top