Hình bóng của người lãnh đạo phải luôn gắn liền và tồn
tại với doanh nghiệp. Nó xuất hiện nhiều hơn khi công ty gặp khó khăn, sự cố
nhưng cũng không thể thiếu vắng hoàn toàn khi công ty phát triển, thành công…
Có một vài chủ doanh nghiệp nghĩ rằng, xây dựng được bộ máy, tuyển dụng giám đốc điều hành, tạo hướng kinh doanh để cho nó tự vận hành; xong là khoẻ, có thể nghỉ ngơi hoặc lo chuyện khác. Thật sự số lượng các doanh nghiệp này ở Việt Nam không nhiều do có nhiều nguyên nhân, trong đó môi trường kinh doanh luôn biến động và không tìm được người điều hành thay là một trong những lý do căn bản nhất mà người sáng lập hay người chủ doanh nghiệp chưa từ bỏ vai trò giám đốc điều hành được. Nhưng nếu giả sử mọi việc đều tốt đẹp, liệu anh có thể hoàn toàn nghỉ ngơi không ?
Và ở một tầm thấp hơn, giám đốc điều hành sẽ làm gì khi mà tất cả mọi việc đều đã có các phòng ban, nghiệp vụ thực hiện rồi. Phải chăng nhiệm vụ của chủ tịch hay tổng giám đốc chỉ còn là chuyện định hướng và họp nghe báo cáo ?. Nếu mọi việc đơn giản như vậy, có lẽ các Công ty tư vấn, tuyển dụng không chịu tốn công, tốn sức và tốn của để “săn” các nhà Quản trị cấp cao nhiều như thế. Vậy vai trò của lãnh đạo cao nhất trong một doanh nghiệp hay một tổ chức là gì ? Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số khía cạnh mang tính thực tiễn của vấn đề này.
Trước tiên đó là tầm nhìn định hướng chiến lược. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần phải có một chiến lược phát triển cho tổ chức mình. Chiến lược phải đặt trên một tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh mà nó nhắm đến. Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin không đề cập sâu về đề tài này. Thành hay bại của một công ty, một doanh nghiệp đều bắt nguồn từ một chiến lược phù hợp hay không. Chiến lược là một công việc dài hạn, nhưng nó có thể thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và cơ hội kinh doanh. IBM bắt đầu từ một công ty chế tạo máy móc đã chuyển hướng thành công ty nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điện tử, vi tính. FPT khởi đầu là một công ty về thực phẩm, còn bây giờ là một công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tin học. Thủơ ban đầu Canon được biết đến như một công ty về thiết bị quang học máy ảnh, nhưng hiện nay mảng doanh thu lớn nhất lại thuộc về lĩnh vực máy copy, máy in…. Khởi nghiệp của một công ty sản xuất các loại nước chấm, gia vị nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay lại là một công ty về phần mềm tin học,… còn vô vàn những thí dụ như vậy. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, chính các lãnh đạo cao nhất của các công ty này là những người quyết định cho sự thay đổi, hay mở rộng hướng kinh doanh sang một lĩnh vực mới. Tất nhiên nền tảng cho những quyết định này là sự phân tích cơ hội, nguy cơ, điểm mạnh, điểm yếu cũng như hoàn cảnh, môi trường, tuy nhiên điều không thể thiếu đó là sự nhạy bén trong kinh doanh, khả năng linh cảm hay còn gọi là may mắn. Và một điều hay trùng lập, ở những doanh nhân thành đạt thường khả năng linh cảm của họ rất cao hay nói một cách khác họ rất hay gặp may. May mắn thường đến với người tài.
Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt và luôn biến động, điều hôm qua còn coi là đúng; hôm nay có thể đã không còn phù hợp, lãnh đạo công ty luôn phải suy nghĩ tìm cách thích ứng với mọi thay đổi của môi trường và giành được cơ hội tốt cho doanh nghiệp mình. Điều này ngoài lãnh đạo cao nhất ra, khó có ai có thể thực hiện thay được. Vì ở đây chủ tịch hay tổng giám đốc không chỉ tìm cách thích ứng cho bản thân mình mà cho cả một bộ máy, một doanh nghiệp. Người không đủ khả năng hoặc không đủ nghị lực và quyết tâm sẽ khó thực hiện nổi.
Muốn việc điều hành phối hợp hoạt
động các bộ phận trong công ty hiệu quả, lãnh đạo cao nhất phải tạo ra được một
môi trường và tìm cách khuyến khích động viên cho bộ máy hoạt động. Đây chính
là việc làm của lãnh đạo. Có mặt đúng lúc khi nhân viên gặp khó khăn cần hỗ
trợ. Phải nhìn ra được những điểm nút chặn mấu chốt để gỡ, giải một việc kéo
theo nhiều việc khác. Có thể lấy thí dụ việc phá rừng làm nương rẫy miêu tả cho
việc này. Ngày xưa khi đốn cây khai hoang trong rừng, người thợ xẻ thường chọn
những cây to khi đốn ngã sẽ kéo theo hàng loạt các cây con, sẽ tiết kiệm được
thời gian và công sức. Hãy giúp đỡ nhân viên bằng cách hướng dẫn họ tìm ra
những cây to, những điểm mấu chốt để giải. Trong công việc khác với việc đốn cây,
không phải nhất nhất việc lớn sẽ giải việc nhỏ mà đôi khi ngược lại và chính
yếu là những điểm mấu chốt này không dễ nhận ra hoặc nhận ra nhưng không phải
dễ giải. Hãy hướng dẫn nhân viên tìm và giải những điểm chặn này.
Quy tụ lòng người đó là trách nhiệm cao cả của lãnh đạo. Một lời
động viên, hỏi thăm khi gặp khó khăn không chỉ trong công việc của Lãnh đạo cao
nhất có tác động rất lớn đối với mọi người. Tạo dựng môi trường thuận lợi cho
bộ máy hoạt động là một việc làm thường xuyên và liên tục. Một lúc ngưng nghỉ,
lơ là hay chùng lại cũng làm lãnh đạo tốn rất nhiều công sức sau này để gầy
dựng lại và chưa chắc đã lấy được những gì đã mất. Thực tế cho thấy nhiều giám
đốc do quá bận rộn đã “bỏ quên” các công việc này và hậu quả là phải trả giá rất
đắt.
Nói một cách khác
lãnh đạo phải là linh hồn của một doanh nghiệp, một tổ chức. Là người góp phần
chính tạo nên văn hóa doanh nghiệp đó. Có thể anh không cần liên tục có mặt,
tham gia vào tất cả mọi hoạt động của công ty. Nhưng khi cần thiết, đặc biệt
lúc khó khăn người lãnh đạo phải là chỗ dựa vững chắc cả trong công việc lẫn
tinh thần cho toàn công ty. Kinh doanh như việc tung hứng một trái bóng, có lúc
lên, có lúc xuống. Khi trái bóng lên người lãnh đạo cần duy trì, giữ cho trạng
thái này càng lâu càng tốt và chuẩn bị những hướng dự phòng khi nó lên đến điểm
cao nhất. Khi xuống, phải giữ vững tinh thần cho toàn đội ngũ, tỉnh táo và bình
tĩnh tìm đường ra ngay cả trong những tình huống xấu nhất.
Kinh doanh luôn biến động và khắc nghiệt, nhưng nếu bạn đã chọn, hãy vui vẻ vượt qua mọi trở ngại và nỗ lực trở thành người chiến thắng. Muốn vậy hãy trở thành linh hồn của doanh nghiệp mình.
Nguyễn Tân Kỷ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét