Sau 40 năm kể từ khi thành lập trong nhà xe cũ, Apple hiện vẫn đang là thương hiệu được đánh giá cao nhất trên hành tinh với giá trị 170,3 tỉ đô la Mỹ (theo Interbrand). Nhìn vào lịch sử phát triển của Apple, điều dễ dàng nhận thấy là họ luôn có cách tiếp cận vấn đề khác với những công ty khác và điều này giúp Apple liên tục tạo ra những sản phẩm mới, những đột phá sáng tạo mang tính cách mạng trong lĩnh vực mình kinh doanh. Nghĩ khác (Think different) từng là một khẩu hiệu nổi tiếng của Apple và chính cách tư duy này đã giúp Apple trở thành một công ty vĩ đại trong lịch sử thế giới hiện đại.

Bản thân Steve Jobs, người góp công lớn đưa Apple lên đỉnh cao hôm nay, là một nhà làm tiếp thị và bán hàng xuất sắc, nhưng điều ông quan tâm nhất và là định hướng cho toàn bộ hoạt dộng của Apple lại chính sản phẩm. Theo ông, chỉ những sản phẩm tuyệt vời mang lại cho người tiêu dùng những giá trị chưa từng có mới tạo nên thành công cho doanh nghiệp. Quả thực những sản phẩm của Apple luôn khác những sản phẩm trước đó, nó thường bắt đầu cho một xu hướng mới, một trào lưu tiêu dùng mới như máy nghe nhạc nén MP3 iPod, điện thoại thông minh không bàn phím iPhone, máy tính bảng iPad...

Ngày nay việc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng không phải là mục tiêu của những công ty sáng tạo, không như Henrry Ford từng nói, nếu tôi hỏi người tiêu dùng bạn muốn gì, anh ta sẽ trả lời là muốn con ngựa chạy nhanh nhất. Hôm nay, việc tìm và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được xu hướng tiêu dùng mới, những mong muốn mà người tiêu dùng còn chưa biết trước đó sẽ giúp công ty thành công vượt trội. Hay nói cách khác, sự sáng tạo, thay đổi đột phá đóng vai trò quyết định sống còn trong thời đại hiện nay. Một ví dụ trong thị trường điện thoại cảm ứng thông minh. Xét về tính năng căn bản, một chiếc iPhone và một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng của Trung Quốc không lệch nhau nhiều, thế nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ chi phí gấp 5, gấp 6 lần để sở hữu iPhone. Ngoài lòng trung thành về nhãn hiệu, đó là do iPhone luôn giới thiệu những công nghệ tiên tiến nhất trong các phiên bản mới, khi mà những hãng điện thoại theo đuôi chưa sở hữu được.

Tìm kiếm những nhu cầu chưa được đáp ứng, những thị trường chưa được phục vụ, mang lại những giá trị vượt trội cho khách hàng luôn là điểm khác biệt của những công ty rất thành công. Muốn làm được điều đó họ luôn duy trì được đội ngũ với tư tưởng luôn hướng tới sự sáng tạo đột phá, không chấp nhận theo người khác, không chấp nhận ở vị trí số 2 trên thị trường. Xây dựng năng lực sáng tạo (Innovation) đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của các nhà lãnh đạo trong thời đại này. Dường như nó đã trở thành sự khác biệt giữa những công ty đứng đầu và những công ty đi theo.

Ở những công ty sáng tạo như Apple...chúng ta nhận thấy luồng suy nghĩ từ những người lãnh đạo cao nhất công ty truyền xuống cho các nhân viên bên dưới đi theo chiều ngược với cách suy nghĩ của những người bình thường. Họ suy nghĩ theo trình tự Tại sao - Thế nào - Cái gì (Why - How - What), có nghĩa là họ sẽ bắt đầu với câu trả lời tại sao chúng tôi làm việc này, chúng tôi làm vì chúng tôi tin nó sẽ thay đổi thế giới hiện tại, thay đổi cuộc sống mỗi con người. Sau đó là họ giải thích, làm điều đấy như thế nào, sản phẩm thân thiện, dễ sử dụng, thiết kế đột phá... và cuối cùng mới là những sản phẩm cụ thể như điện thoại, máy nghe nhạc hay máy tính bảng. Còn đa phần những công ty khác đi theo sẽ bắt đầu bằng các sản phẩm cụ thể ví dụ như điện thoại có màn hình to hơn một chút, camera độ phân giải cao hơn một tí hay máy tính bảng gọn hơn...có nghĩa là bắt đầu từ "cái gì" rồi mới đến "làm như thế nào". Kết quả ai là người thành công, ai là người dẫn dắt cuộc chơi, còn ai là người đi theo, chúng ta đều biết rõ...

Đi theo lối mòn người khác đã đi luôn là điều dễ so với việc tự mở lối đi riêng. Sáng tạo đột phá luôn là việc khó khăn và khó có thể làm đơn lẻ. Những công ty sáng tạo luôn nuôi dưỡng và khuyến khích cả đội ngũ suy nghĩ và hành động theo cách mới hướng về việc tăng giá trị cho khách hàng, cho người tiêu dùng. Vì họ hiểu được rằng chỉ có sáng tạo, thay đổi đột phá mới là chìa khoá dắt đến tương lai thành công. Để tạo sự thay đổi, đột phá có thể đến từ bên ngoài, cách này là cách các câu lạc bộ bóng đá thường áp dụng. Cứ vài ba năm khi kết quả không như ý muốn, các câu lạc bộ lại đổi huấn luyện viên mới về dẫn dắt đội bóng. Tuy nhiên không phải không có câu lạc bộ duy trì không đổi đội ngũ lãnh đạo như trường hợp của Sir Ferguson ở đội bóng Manchester United. Ông tự thay đổi, tự đổi mới cách đá để đưa MU thống trị giải ngoại hạng Anh trong suốt 25 năm ròng. Còn như Apple, Steve Jobs ngay từ khi còn sống đã bắt đầu công việc tìm kiếm cách truyền lại gen sáng tạo DNA của Apple mà ông chính là người tiên phong cho các đội ngũ kế cận, để đảm bảo tinh thần Nghĩ khác mãi được trường tồn.

Luôn đặt câu hỏi: Tại sao? Nếu...thì? trước bất kỳ một vấn đề nào là cách rèn luyện tư duy tìm kiếm sự thay đổi, sáng tạo. Một năm mới đến, hãy bắt đầu từ những kế hoạch cụ thể nhất để hướng tới sự sáng tạo, thử hỏi trong tháng qua bạn đã làm điều gì mới mẻ mà trước đây chưa từng làm trong công việc hay trong cuộc sống chưa…

Nguyễn Tân Kỷ
TBKTSG số Tân niên, ngày 18/2/2016. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top