SEA Games 26 đã kết
thúc, giới thể thao và người hâm mộ Việt Nam vẫn đang phấn khích về thành tích
đúng thứ ba toàn đoàn trên bảng xếp hạng huy chương. Với 96 huy chương vàng, vượt
xa chỉ tiêu ban đầu 70 huy chương vàng, thể thao Việt Nam khẳng định vững chắc
ngôi vị thứ ba trong khu vực.
Ngay cả những lĩnh vực
mà trước đây không phải là mỏ vàng của thể thao Việt Nam như điền kinh, bơi lội
hay thể dục dụng cụ, chúng ta cũng gặt hái được số lượng huy chương đáng kể. Với
thành tích đạt được, có thể coi chiến dịch SEA Games 26 của thể thao Việt Nam
đã thành công rực rỡ.
Thế nhưng thành tích
đó vẫn chưa đủ để đưa thể thao Việt Nam lên tầm châu lục chứ chưa dám nói đến
thế giới. Trong tổng số gần 100 huy chương mà các vận động viên chúng ta đạt được,
chỉ duy nhất Hoàng Quý Phước với 100 mét bơi bướm đủ chuẩn B dự Olympic mùa hè
năm sau tại London.
Thất bại 1-4 của đội
tuyển nam U23 Việt Nam trước Myanmar trong trận tranh huy chương đồng cho thấy
dù chúng ta đã từng vô địch Đông Nam Á và mấy năm gần đây thường có mặt trong
các trận chung kết của các giải đấu khu vực, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, bóng
đá Việt Nam vẫn chưa là gì tại Đông Nam Á. Có phải chăng chúng ta đã quá say
sưa với trước chiến thắng 6-0 trước Myanmar trong trận giao hữu trtước giải đấu
hay là vì khi đã vượt qua Thái Lan lên ngôi số 1 Đông Nam Á, chúng ta đã ngủ
quên trong niềm phấn khích và lạc quan thái quá. Câu trả lời xin nhường lại cho
các nhà chuyên môn, những người làm thể thao chuyên nghiệp.
Thể thao là vậy, còn
trong kinh doanh thì sao? Đã có không ít tình huống, câu chuyện kể về cá nhân,
doanh nghiệp sau khi thành công đã không duy trì được vị trí và nhanh chóng đi
vào quên lãng.
Hầu như tất cả những
người làm kinh doanh đều thuộc lòng lời khuyên “đừng ngủ quên trên chiến thắng”.
Thế nhưng thực tế khi thành công, nhiều người vẫn nồng nàn trong men chiến thắng
mà quên đi tất cả. Chắc ai cũng biết, thành công trong quá khứ chẳng có gì đảm
bảo cho thành công trong tương lai. Nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu và
dám hành động mà không nghĩ về những gì mình đạt được ngày hôm qua.
Josep Guardiola, huấn
luyện viên được đánh giá tài năng bậc nhất trong lịch sử Câu lạc bộ bóng đá
Barcelona, chỉ muốn ký hợp đồng từng năm một với đội bóng, trong khi các huấn
luyện viên khác lại thích hợp đồng dài hạn để đảm bảo cho công việc. Lý do của
huấn luyện viên này là bản hợp đồng từng năm sẽ giúp ông có thêm động lực cùng
đội bóng để đạt được những mục tiêu mới cao hơn sau mỗi mùa bóng.
Khi đang khó khăn,
đang ở thế yếu, con người thường rất nỗ lực khẩn trương và quyết liệt trong
hành động, nhưng khi đã có được những thành tích nhất định, tâm lý con người
thường rơi vào trạng thái thỏa mãn, suy nghĩ chắc ăn hơn, hành động chậm lại,
chỉ lo thủ chứ không mặn mà với việc tấn công và đây chính là “bẫy” chết người
của các tổ chức kinh doanh. Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cho đội ngũ mình là đều
cần thiết, nhưng nếu thái quá sẽ là mối nguy cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Chiếm được vị trí số 1
đã khó, nhưng để giữ vững và tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế của mình còn khó
gấp bội. Vì khi đó đối thủ của chúng ta chính là chúng ta, chúng ta phải làm tốt
hơn cái chúng ta đang có, sẵn sang thay thế các sản phẩm đang thành công bằng
chính những sản phẩm mới ưu việt hơn. Đây là cách mà huyền thoại Steve Jobs làm
với dòng điện thoại iPhone, khi mà mỗi năm Apple lại tung ra một đời iPhone mới
với tính năng, thiết kế ưu việt hơn và hạ giá ngay những dòng thế hệ trước, thậm
chí khai tử không tiếp tục sản xuất và bán các dòng điện thoại trước đó hai đời.
Có thể có người không đồng tình với cách mà Steve Jobs làm . Họ coi như vậy là
tàn nhẫn, là lạnh lùng nhưng họ quên rằng chính nhờ iPhone mà công nghệ điện
thoại di động bước lên một đẳng cấp mới và chính người tiêu dùng được hưởng lợi
điều này.
Một cái “bẫy” nữa mà
nhiều người mắc phải. Có thay đổi, có tiến bộ đạt thành tích nhưng sự tiến bộ
này chưa đủ để chiến thắng. Nhắc lại chuyện thể thao Việt Nam tại SEA Games 26
vừa qua, điều này thể hiện rõ nhất. Không ai có thể phủ nhận sự tiến bộ của các
môn thể thao Olympic của đoàn thể thao Việt Nam, nhưng quả là chưa đủ và có phần
chậm hơn so với các nước láng giềng khi mà chúng ta vẫn say mê những môn thể
thao ngoài Olympic nhưng dễ có thành tích hơn là những môn Olympic cơ bản.
Trong doanh nghiệp,
không ít tình huống nhân viên, thậm chí cả cấp quản lý, phàn nàn tại sao chúng
tôi đã làm tốt rồi mà công ty vẫn không hài lòng, vẫn yêu cầu phải thay đổi để
tốt hơn nữa. Điện thoại di động Nokia, một thời là số 1 thế giới nhưng không may
cho Nokia là các đối thủ khác như Apple, Samsung, HTC đã thay đổi và tiến bộ
nhanh hơn. Và đó là lý do tại sao thị phần ở dòng điện thoại cao cấp của Nokia
ngày càng thu hẹp và Nokia trở thành nhãn hiệu điện thoại bình dân.
Ai cũng vui và phấn khởi
khi đạt thành tích, nhưng đừng say sưa và lạc quan thái quá. Những thành tích
đã đạt được dù có to lớn đến mấy rồi cũng sẽ là chuyện của quá khứ. Đừng quá
vui sướng và tự hào mà quên rằng những gì chúng ta đạt được còn rất nhỏ bé so với
vị thế mà chúng ta cần đạt được.
Và cuối cùng đừng để sự
thỏa mãn ru ngủ chúng ta.
Nguyễn Tân Kỷ