|
Trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia với bạn bè nước ngoài các
doanh nhân cũng có vai trò và trách nhiệm. Những hàng hóa mang nhãn hiệu Việt
Nam, sản xuất tại Việt Nam
chính là những sứ giả tốt nhất giới thiệu Việt Nam với thế giới.
Trong buổi hội thảo
“Marketing mới cho thời đại mới” với sự tham gia của đa phần là các doanh
nhân Việt Nam tại TPHCM hồi tháng 8-2007, ông Philip Kotler đã đề cập đến một
lý thuyết khá mới trong marketing hiện đại. Đó là Chiến lược Đại dương xanh
của hai tác giả W. Chan Kim và Renee Mauborgne trong cuốn sách cùng tên xuất
bản năm 2005 và được dịch ra tiếng Việt năm 2006. Ông tâm đắc về nội dung
cuốn sách và hỏi cử tọa bên dưới đã có ai đọc cuốn sách này chưa. Philip
Kotler còn nói thêm nếu tất cả mọi người đều đã biết về Chiến lược Đại dương
xanh, thì chắc ông không cần có mặt tại buổi hội thảo này nữa. Một thoáng im
lặng xen chút trầm tư trên nét mặt của các doanh nhân Việt Nam có mặt
tại buổi hội thảo hôm đó. Bởi đã có nhiều buổi hội thảo, bài viết phân tích,
bình luận về nội dung cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Việt này. Thậm
chí, chiến lược trên còn đang được một số nhãn hiệu Việt Nam trong
lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh áp dụng rất thành công.
Tất nhiên đây chỉ
là một lời nói đùa của ông, nhưng “trong bất cứ lời nói đùa nào, cũng có một
phần sự thật” (ngạn ngữ Nga). Từ đó có thể suy ra rằng, ông Philip Kotler tuy
có tìm hiểu và biết về tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng của Việt Nam trong
những năm gần đây, nhưng xét về tổng thể ông quả chưa biết nhiều về nền
kinh tế Việt Nam, về các nhãn hiệu Việt Nam, về tầng lớp doanh nhân Việt Nam…
Đó là điều không vui, nhưng chúng ta hãy nhìn nhận đó là một sự thật, thế
giới còn hiểu biết quá ít về chúng ta mà Philip Kotler chỉ là một ví dụ.
Trong suy nghĩ của
nhiều người nước ngoài, Việt Nam
là một quốc gia chậm phát triển đâu đó dù mấy năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đã có
những bước phát triển vượt bậc. Ở nước ngoài, người ta vẫn còn biết rất ít về
Việt Nam.
Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong một bài phát biểu
tại hội nghị về đầu tư tại New York hồi tháng 6 vừa qua, nhân chuyến thăm của
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ, có kể lại câu chuyện cách đây ba
năm, khi ông giới thiệu cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trước các nhà
đầu tư tài chính Hoa Kỳ, có vị khách đã rất ngạc nhiên khi nghe thấy cụm từ
“đầu tư vào Việt Nam”. Thậm chí có người còn hỏi ông “Việt Nam ở đâu?”.
Chúng ta đang nói
nhiều về việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Có rất
nhiều ý kiến, nhưng chắc chắn tất cả đều đồng ý đây là công việc không hề đơn
giản và dễ dàng, không thể một sớm một chiều chúng ta có thể tạo dựng được
một hình ảnh về thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Nhưng có lẽ việc đầu tiên
chúng ta cần phải làm ngay bây giờ, chính là làm sao cho mọi người trên thế
giới hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền kinh tế Việt Nam. Hãy giúp
cho họ hiểu Việt Nam không chỉ gắn với hai từ chiến tranh mà còn là một nền
kinh tế năng động nhất trong khu vực, một môi trường đầu tư hấp dẫn tại châu
Á sau Trung Quốc và Ấn Độ, một nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn
định với định hướng hội nhập toàn cầu… Hãy nói với mọi người rằng, tuy Việt
Nam chưa phải là một nước phát triển nhưng trong kỷ nguyên số ngày hôm nay,
với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông và Internet, Việt Nam không
còn quá tụt hậu so với văn minh thế giới. Các độc giả say mê Harry Potter
cũng có cùng cơ hội được thưởng thức những khám phá của cậu bé phù thủy trong
tập truyện thứ bảy cùng lúc với các độc giả trên toàn thế giới. Những lý
thuyết kinh tế mới nhất về quản trị, về tiếp thị như cuốn “Chiến lược Đại
dương xanh” vừa đề cập ở trên cũng nhanh chóng được mua bản quyền và phát
hành rộng rãi cho giới doanh nhân Việt Nam đọc và áp dụng.
Công việc truyền bá
này, chắc chắn là của tất cả mọi người Việt Nam. Từ những nhà ngoại giao, các
nguyên thủ quốc gia trong các chuyến công du của mình, đến những nhà hoạch
định chính sách, các doanh nhân, và cả những người dân bình thường khi tiếp
xúc với bạn bè nước ngoài. Trong việc quảng bá này, các doanh nhân cũng có
vai trò và trách nhiệm. Những hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam chính là những sứ giả tốt nhất giới thiệu
Việt Nam
với thế giới. Muốn trở thành thương hiệu toàn cầu, trước tiên phải là một
thương hiệu đứng đầu tại thị trường nội địa và khu vực. Điều này càng trở nên
dễ hiểu hơn trong nền kinh tế hội nhập ngày nay.
Các nhãn hiệu của
các doanh nghiệp trong nước đang thực sự phải đương đầu với các nhãn hiệu
sừng sỏ của thế giới trong mọi lĩnh vực. Tất nhiên cuộc cạnh tranh này không
hề dễ dàng chút nào. Biết bao nhãn hiệu, doanh nghiệp Việt Nam đã bị thôn
tính và biến mất trong những năm qua, nhưng có lẽ đó chính là quy luật tàn
nhẫn và có phần không được công bằng cho lắm của cuộc chơi toàn cầu hóa, khi
mà lẽ phải thường hay thuộc về kẻ mạnh, kẻ nhiều tiền. Chỉ có điều, nếu các
doanh nghiệp Việt Nam
đã chấp nhận cuộc chơi này, thì cũng hãy chấp nhận những quy luật này để vượt
lên chính mình và những đối thủ cạnh tranh. Điều đáng mừng là ngày càng có
nhiều thương hiệu Việt Nam
không chỉ chống chọi thành công mà còn đang chiếm thế thượng phong so với các
nhãn hiệu quốc tế khác trong ngành hàng của mình tại thị trường Việt Nam. Chính
những thương hiệu này, sản phẩm này sẽ góp phần giúp cho thế giới có cái nhìn
khác về doanh nghiệp và cả con người Việt Nam.
Lại một ngày Doanh
nhân Việt Nam nữa đang
đến, chúc cho giới doanh nghiệp Việt Nam càng có thêm những sản phẩm,
những thương hiệu đứng đầu quốc gia và bắt đầu bước ra khu vực và thế giới.
Mong rằng một ngày nào đó không xa, sẽ có những thương hiệu Việt đủ sức đứng vững
và nói với thế giới về các sản phẩm của Việt Nam.