Nguyễn Tân Kỷ
Đội tuyển bóng đá
Việt Nam đã có một trận
thắng đầy ấn tượng trước tuyển các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) tại
vòng chung kết Asian Cup 2007 tổ chức tại Việt Nam. Đây là lần đầu chúng ta tham
dự vòng chung kết Asian Cup và trong trận đầu tiên đã giành thắng lợi thuyết
phục 2-0 trước đội tuyển xếp trên chúng ta 48 bậc trong bảng xếp hạng của
Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA. Biết rằng trong bóng đá, luôn có bất ngờ và
may mắn, nhưng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam không chỉ là thắng ở tỷ số mà
quan trọng hơn là cách các tuyển thủ áo đỏ giành chiến thắng.
Vẫn còn quá sớm để kết luận đó là phong độ nhất thời hay bóng đá Việt Nam đã vượt lên một đẳng cấp mới, nhưng điều chúng ta có thể khẳng định được là đội tuyển bóng đá Việt Nam đã vượt qua sự sợ hãi, mất tự tin khi gặp các đối thủ lớn. Nói theo các bình luận viên bóng đá là đã không còn “cóng” hay “run” khi đối mặt các đội bóng nước ngoài hơn mình về đẳng cấp và thứ hạng.
Chiến thắng này là
phần thưởng ngọt ngào nhất cho người hâm mộ Việt Nam sau những gì xảy ra với đội
tuyển chúng ta tại SEA Games vừa qua. Hơn nửa đội tuyển bóng đá nam dính đến
mua bán độ và dàn xếp tỷ số, nhiều cầu thủ trụ cột phải ra trước tòa, đối mặt
với các bản án nghiêm khắc. Nhiều người đã nghĩ bóng đá Việt Nam đã tệ nay
càng tệ hơn. Có người lo ngại nếu đuổi hết những cầu thủ phạm lỗi kia… lấy ai
mà đá! Nhưng rồi một đội tuyển mới với những con người khát khao cống hiến và
chiến thắng đã được thành lập. Và họ đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên
như tất cả chúng ta đều biết.
|
Chuyện bóng đá là
vậy, chuyện trong doanh nghiệp thì sao? Những người đứng đầu doanh nghiệp có
lẽ đã có lúc băn khoăn khi phải thay thế những vị trí chủ chốt trong doanh
nghiệp bằng nhân sự mới. Sự thay thế đó có thể là chủ động do thay đổi quy
mô, nâng tầm hoạt động của doanh nghiệp… có thể là bị động khi nhân sự cũ
chuyển đi nơi khác hay cá biệt có thể họ mắc phải những sai lầm thuộc dạng
nguyên tắc và dù có thương tiếc đến mấy cũng cần phải loại bỏ… Quả là đau đầu
với những lần thay đổi như thế. Có doanh nghiệp vượt qua mà không bị xáo trộn
nhiều, có doanh nghiệp loay hoay cả thời gian dài vẫn chưa giải quyết ổn
thỏa. Vậy bài học từ sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vượt qua
giai đoạn khó khăn có giúp được gì cho các doanh nghiệp?
Kinh nghiệm ở những
doanh nghiệp thành công trong việc này là họ đều có một nền tảng văn hóa công
ty rất vững mạnh. Chính nền tảng này đã giúp công ty thu hút nhân tài và tạo
động lực cho họ phát triển. Ở đội tuyển Việt Nam, đó chính là sự cổ vũ của
người hâm mộ, là sức mạnh tinh thần mỗi khi khoác lên mình chiếc áo của đội
tuyển quốc gia. Thời buổi cạnh tranh ngày nay, việc đến và đi của một vài
nhân sự ở công ty là điều không tránh khỏi. Vấn đề chính ở mỗi doanh nghiệp
là làm sao tạo dựng được một môi trường làm việc có thể thu hút được các nhân
sự mới có đủ khả năng thay thế các nhân sự cũ trong thời gian sớm nhất mà
thôi. Văn hóa doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên
môi trường làm việc. Làm thế nào để người lao động có thể tự hào khi gia nhập
công ty, tự hào mình đang phục vụ, chiến đấu cho thương hiệu của doanh
nghiệp. Việc này không thể có được trong một sớm một chiều, nhưng là việc làm
vô cùng cần thiết.
Việc thứ hai các
doanh nghiệp cần quan tâm là hãy dũng cảm đặt niềm tin vào lực lượng trẻ.
Chính lực lượng trẻ sẽ là nòng cốt của doanh nghiệp trong tương lai. Hãy chú
tâm đến công tác đào tạo và tuyển dụng. Tạo điều kiện cho các “cầu thủ trẻ”
có cơ hội thi đấu, cơ hội thể hiện mình. Có người đã bình luận sở dĩ đội
tuyển chúng ta tự tin trước các đối thủ lớn, điều mà “thế hệ vàng” trước đây
chưa làm được là do các cầu thủ của chúng ta còn rất trẻ, tuổi trẻ không biết
sợ, tuổi trẻ dám làm nhiều điều… Quả thực năng lực của tuổi trẻ là tuyệt vời,
nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách và đúng chỗ. Tất nhiên vẫn cần có sự kết
hợp của kinh nghiệm. Hai bàn thắng của Việt Nam trước UAE đều xuất phát từ
đường chuyền của Minh Phương, một cầu thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Trong
doanh nghiệp cũng vậy, nếu tổ chức kết hợp được những nhân tố trẻ, mới với
những bộ óc kinh nghiệm, từng trải sẽ giúp cho các bạn trẻ sớm trưởng thành
và mau tiến bộ. Tất nhiên không phải dễ tìm người giỏi, nhưng ở một đất nước
hơn 80 triệu dân, không lẽ không thể tìm được 11 cầu thủ hay sao? Ở doanh
nghiệp cũng vậy, nếu ta chịu khó tìm, chịu khó đầu tư chắc chắn sẽ đạt được.
Điều này đã và đang được các công ty đa quốc gia tại Việt Nam thực hiện
rất tốt. Họ làm được, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không làm
được?
Và điều cuối cùng,
đó chính là niềm tin chiến thắng. Cần phải nuôi dưỡng niềm tin này trong mỗi
thành viên của công ty. Tại sao chúng ta luôn nghĩ mình là kẻ lót đường.
Trong bóng đá cũng vậy, tại sao chúng ta cứ nghĩ rằng tham dự giải đấu chỉ để
học hỏi và tích lũy kinh nghiệm? Tại sao chúng ta luôn coi các giải đấu châu
lục là sân chơi quá tầm.Nếu nghĩ như vậy là chúng ta đã thua trước khi thi
đấu. Hãy thử thay đổi suy nghĩ. Người khác làm được, tại sao chúng ta không
làm được. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay điều gì đó đại loại như vậy. Thay vì
thế hãy tập trung mọi nguồn lực để tìm cách chiến thắng trong cuộc đua tranh
này. Tất nhiên để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải nghiên cứu và
chuẩn bị thật kỹ lưỡng.Thực tế đáng mừng là hiện nay không ít doanh nghiệp
Việt Nam
đã làm được điều này. Các vị trí đứng đầu trong một số ngành hàng thuộc về
các doanh nghiệp Việt Nam
là minh chứng rõ ràng nhất.
Hãy bắt đầu từ niềm
tin rằng chúng ta sẽ làm được và tìm cách để thực hiện một cách thông minh và
nhanh nhất, chiến thắng sẽ đến với chúng
ta.