Con người vốn bản chất là luôn bảo vệ những gì mình đã
cho là đúng. Hãy tập đừng nói “không” khi nghe được các ý kiến “trái” với suy
nghĩ của mình…
Hàng ngày nhà Quản lý thường xuyên phải xử lý các sự cố, vấn đề xảy
ra trong hoạt động Sản xuất – Kinh doanh của Doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề
trước tiên cần phải thu thập thông tin, phân tích, tìm nguyên nhân, đưa ra các
giải pháp, rồi sau đó là lựa chọn, thực hiện và đánh giá. Trong các quá trình này,
theo kinh nghiệm thực tiễn thì việc đưa ra được nhiều giải pháp theo nhiều hướng
khác nhau là rất quan trọng. Khi đó nhà Quản lý có nhiều phương án để lựa chọn
hơn. Thế nhưng thực tế khi đi tìm giải pháp chúng ta thường dễ bị cuốn theo các
lối mòn tư duy thông thường và khi đó sẽ mất đi cơ hội có được các giải pháp đột
phá. Và ngay cả khi chúng ta sử dụng phương pháp họp nhóm, cùng thảo luận cũng
hiếm khi có được một cách giải độc đáo...
Đa phần khi đã có 1 giải pháp trong đầu thì rất khó tìm thêm được 1
giải pháp khác độc lập với nó. Đó hoàn toàn là tâm lý bình thường của con người.
Vậy phải làm thế nào đây? trong trường hợp này lời khuyên của nhà phát minh thiên
tài Edison, về nguyên nhân của thành công vẫn còn nguyên giá trị: “chỉ có 1% là
do khả năng thiên phú, còn 99% là do rèn luyện”. Vậy, phải rèn luyện việc suy
nghĩ sáng tạo như thế nào ? Bạn hãy bắt đầu bằng những câu hỏi cho những việc đơn
giản nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Tại sao phải làm cách này ? còn có cách khác
ngoài cách này không ? nếu làm cách khác thì sao…? Hãy tìm ra thật nhiều giải
pháp thực sự khác nhau trước khi phân tích và lựa chọn.
Là nhà Quản lý chúng ta không chỉ suy nghĩ một mình, phải làm sao để
mọi người, các cộng sự của mình cũng nghĩ, cùng lo thì mới thành công và đạt hiệu
quả cao trong công việc. “Hai cái đầu hơn một cái đầu”, thế nhưng nếu cái đầu
kia hay các cái đầu khác trong Cty đều nghĩ theo hướng của Sếp thì lúc đó chẳng
khác gì một dàn hợp xướng suy nghĩ mà mình là giọng hát chính, còn lại là dàn đồng
ca phụ hoạ. Ở đây bạn hãy hình dung mình sẽ phải là một nhạc trưởng chỉ huy dàn
nhạc với nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Bản thân tâm lý nhân viên đã không muốn
nghĩ khác Sếp, phần tự ti sợ sai, phần sợ
Sếp phật lòng vì dám nói khác ý. Kinh nghiệm cho thấy các lời giải tốt nhất thường
xuất phát từ các ý tưởng của cấp dưới, từ những người trực tiếp thực hiện công
việc, vì đơn giản chính họ là người nắm bắt công việc tốt nhất. Vâng, trong lúc
này đây, khả năng suy nghĩ, tư duy sáng tạo theo các hướng độc lập mà chúng ta đã
luyện tập sẽ phát huy tác dụng. Con người
vốn bản chất là luôn bảo vệ những gì mình đã cho là đúng. Khi chúng ta đã coi một
điều gì đó là đúng rồi, khi nghe nói những điều ngược lại đều sẽ bị phản đối
ngay từ trong tiềm thức. Kinh nghiệm cho thấy hãy tập đừng nói “không” ngay khi
nghe được các ý kiến “trái” với suy nghĩ của mình. Hãy tập nghĩ rằng điều đó là
có thể và nghĩ cách để thực hiện nó. Ở đây hãy áp dụng lối suy nghĩ theo quan điểm
đánh giá hệ thống ISO là “đi tìm sự phù hợp, chứ không phải cố tình tìm sự không
phù hợp”. Nếu rèn luyện được cách suy nghĩ theo các hướng khác nhau, thậm chí
hoàn toàn độc lập với nhau và cộng với khả năng cổ vũ, khuyến khích đội ngũ của
mình nói ra các ý tưởng, các giải pháp thì khi đó nhất định sẽ có lúc chúng ta tìm
được giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo. Ngoài ra có một điểm rất quan trọng,
đó là thường các ý tưởng khi nhân viên đưa ra mới chỉ là các ý tưởng “thô” chưa
hoàn chỉnh, người lãnh đạo cần phải cùng mọi người phát triển thêm thì mới có
thể trở thành giải pháp (nếu phù hợp). Nếu phản bác các ý tưởng này ngay từ đầu,
làm sao có thể có cơ hội phát triển thành giải pháp được. Đừng tự làm mất các cơ
hội có được những giải pháp mang tính sáng tạo.
Khi đã có 1 ý tưởng hay 1 phương án
mà đa phần hay theo logic thông thường đều cho là đúng, với tư cách là người dẫn
dắt cuộc suy nghĩ tập thể, chúng ta hãy hướng mọi người gạt ngay giải pháp này
ra khỏi đầu, thậm chí không bàn bạc đến nó nữa. Cố gắng tìm kiếm những khả năng
có thể khác, càng nhiều càng tốt. Cũng đừng vội so sánh các phương án mới này với
cái đã cho là đúng ban đầu. Cần khuyến khích mọi người tự do nói, đừng bỏ qua một
ý tưởng nào, thậm chí nó có thể hơi “điên rồ”. Như vậy, sẽ có được nhiều giải
pháp khác nhau và các thành viên trong cuộc họp đều thấy rằng mình đều có quyền
trình bày và đều được mọi người lắng nghe. Khi đó, họ sẽ mạnh dạn và tự tin hơn,
không ngại đưa ra những ý tưởng thoạt đầu có thể là “rất kỳ quái”. Hoàn toàn có
thể, một lúc nào đó chính từ những ý tưởng
khác biệt, không giống ai này sẽ giúp chúng ta tạo được một bước ngoặt trong hoạt
động kinh doanh của Doanh nghiệp mình. Thực tiễn thế giới đã ghi nhận rất nhiều
điều như vậy. Sony là một ví dụ điển hình. Khi mà mọi người chỉ nghe nhạc ở nhà
bằng những cái máy cátsét to, cồng kềnh thì ông Chủ tịch Sony đưa ra ý tưởng có
thể mang nó theo bên mình và nghe ở mọi nơi. Từ ý tưởng này đã phát triển thành
dòng Walkman cực kỳ thành công.
Ngoài ra, một ý tưởng khác người được sếp và mọi người chú ý lắng
nghe, cùng phát triển trở thành giải pháp hoàn chỉnh, đưa vào áp dụng và mang lại
hiệu quả cho cty, đó chính là sự động viên mang lại niềm phấn khích rất lớn cho
đội ngũ nhân viên. Khi đó mọi người sẽ cảm giác đóng góp thực sự và cụ thể cho
sự phát triển và thành công của công ty. Một cảm giác sung sướng và tự hào mà tiền
bạc không phải lúc nào cũng tạo ra được. Niềm hạnh phúc có lẽ là lớn nhất đối với
một nhà Quản lý là xây dựng được một đội ngũ không chỉ làm thay được cho mình mà
còn nghĩ thay được cho mình, thậm chí còn giỏi hơn mình, cừ khôi hơn mình.
Tất nhiên, mọi việc sẽ không có gì là
dễ dàng cả vì bản chất tự nhiên của con người là luôn phản ứng lại với những ý
tưởng khác với suy nghĩ mình đã coi là đúng. Cần phải luôn rèn luyện để không bị
phản ứng ngay từ trong suy nghĩ. Vì nếu ngược lại chúng ta sẽ làm thui chột các
ý tưởng từ trong trứng nước, chỉ còn một mình tự suy nghĩ và tự nói với các giải
pháp mang tính lối mòn; còn đội ngũ cộng sự chỉ là những người thực thi. Làm được
điều này và giúp cho những người đồng sự xung quanh mình cùng làm được tức là
khi đó chúng ta đang sở hữu 1 tư duy tập thể tuyệt vời. Và một điều nữa, sẽ không
phải lần nào những giải pháp “ngược đời”, những suy nghĩ độc lập sẽ mang lại hiệu
quả. Trong 10 trường hợp đúng được vài lần đã là rất thành công. Còn lại bạn sẽ
cảm thấy mất thời gian vì phải nghe những chuyện “vớ vẩn”. Nhưng đừng nản chí,
vì ngoài việc sẽ có lúc chúng ta tìm được những lời giải độc đáo, tuyệt vời đạt
hiệu quả vượt trội so với trước đây, nhưng cái được lớn nhất là sẽ có được một đội
ngũ luôn sẵn sàng cùng làm việc và đó chính là phần thưởng cho sự nỗ lực của chính
chúng ta.
Nguyễn Tân Kỷ