Khi nói về toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, đừng nghĩ đó là điều gì đó xa vời không liên quan đến chúng ta. Thực tế nó đang hiện hữu và ngay sát bên bạn đó. Bạn bắt đầu một ngày mới bằng tiếng chuông báo thức từ chiếc điện thoại di động của một công ty đa quốc gia, có trụ sở chính tại một nước Bắc Âu xa xôi, linh kiện được làm tại một vài nước Asean, còn lắp ráp lại được làm ở nước láng giềng phương bắc của chúng ta. Bạn đi đến công ty trên chiếc xe mang nhãn hiệu nước ngoài được lắp ráp tại chính Việt Nam, nhưng với linh kiện cũng tương tự như chiếc điện thoại di động kia được thu nhập từ nhiều nơi trên thế giới. Rồi ở công ty, bạn sẽ liên lạc với các đối tác nước ngoài qua e-mail, internet, điện thoại…
Chiều tối sau bữa cơm gia đình, bạn ngồi bên tách trà và chợt nhận ra, hình như tất cả mọi thứ quanh ta đều mang một nhãn hiệu không phải của chúng ta kể cả tách trà mà bạn đang uống, dù biết rằng cây trà này chắc chắn được trồng ở Việt Nam, do chính tay người Việt hái, chế biến và đóng gói nó. Vậy nếu như các nhãn hiệu, hàng hoá nguồn gốc nước ngoài đến được với người tiêu dùng Việt Nam, liệu các hàng hoá xuất xứ Việt có thể đến các nước khác được không ?
Tại sao không ? Hội nhập kinh tế sẽ giúp ta làm điều này. Nhưng có lẽ doanh nghiệp muốn thắng trên sân người, trước tiên cần phải thắng được trên sân nhà. Điều quan trọng đối với một thương hiệu hay một sản phẩm là phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng, phát hiện và thoả mãn được những nhu cầu còn đang tiềm ẩn. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong bất kỳ thị trường nào cũng rất nhiều các sản phẩm, các thương hiệu đã có từ trước, người đến sau sẽ phải tìm đường vượt lên trên. Điều này thực sự không phải là dễ dàng. Các doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp tạo ra được xu hướng tiêu dùng mới. Người đầu tiên có một lợi thế mà không ai có thể có được: chính là vị trí đầu tiên xuất hiện trong tâm trí người tiêu dùng. Chúng ta dễ dàng nhớ đến tên Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, còn người thứ hai mấy ai biết hay nhớ được. Tất nhiên không phải cứ đầu tiên là sẽ dành thắng lợi, nhưng là đầu tiên doanh nghiệp có một lợi thế rất lớn trong cuộc cạnh tranh.
Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp hôm nay, suy cho cùng chính là cuộc chiến về ý tưởng, cuộc chiến về xu hướng tiêu dùng. Thực vậy, ngày nay trong thời đại thông tin, khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, khoảng cách về chất lượng, về giá trị lý tính giữa hai sản phẩm đồng loại càng ngày càng gần nhau hơn. Trong các cuộc thử sản phẩm mù thường cho những kết quả rất thú vị. Bạn sẽ nhầm lẫn giữa các loại bia khác nhau khi uống mà không được thấy nhãn hiệu, nhưng bạn lại không thể chọn nhãn khác khi sử dụng, đơn giản vì các nhà sản xuất, các nhà tiếp thị đã gắn chúng với các hình ảnh, thông điệp trong tâm trí bạn rồi. Samsung là một ví dụ về sự thành công này. Là người sinh sau đẻ muộn trong ngành điện thoại di động, giữa một rừng những đại gia thống trị thời đó như Motorola, Nokia, Ericson kế đó là Siemen, Alcatel, Sony… Samsung tìm ra và cổ vũ cho một xu hướng mới của điện thoại di động: thời trang. Và tất cả các sản phẩm của Samsung đều được phát triển theo xu hướng này. Đến hôm nay khi nghĩ về điện thoại di động Samsung không ai nghĩ về một sản phẩm hạng hai như lúc khởi đầu nữa, mà thay vào đó là hình ảnh một thứ để liên lạc nhưng đẹp đẽ, tinh xảo, nhiều màu sắc và luôn hợp thời trang. Tương tự, khi Ericson cảm thấy đã đánh mất vị trí trong thị trường di động, họ đã chọn con đường kết hợp với Sony, một hãng đi đầu trong lĩnh vực điện tử giải trí để tìm ra một xu hướng khác. Xu hướng mà Sony Ericson chọn và đang gặt hái thành công, tạo được một vị trí trong sân chơi này đó là điện thoại tích hợp máy nghe nhạc kỹ thuật số… Thật vậy, đến hôm nay, khi chọn mua điện thoại ít người bắt đầu bằng những quan tâm kiểu như: sóng thế nào, pin ra sao, lưu trữ được bao nhiêu số điện thoại… đơn giản vì hầu như tất cả các điện thoại đều đáp ứng được những yêu cầu căn bản này cho một dụng cụ liên lạc vô tuyến. Cái mà người ta quan tâm bây giờ là chụp ảnh, nghe nhạc, quay phim, lướt web, tạo văn bản, trò chơi trực tuyến… Nhu cầu tiêu dùng của con người là vô tận, biết đâu sau này người ta chọn điện thoại di động là vì nó có thiết bị định vị toàn cầu đi kèm, hay là vì nó có thể sử dụng kết hợp làm chìa khóa xe hay chìa khoá nhà…
Kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hơn cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, cách thức tạo ra những sản phẩm tốt và cả cách suy nghĩ sáng tạo ra các xu hướng tiêu dùng mới cho các sản phẩm của mình. Trong cuộc cạnh tranh ngày hôm nay, ngoài yếu tố về tiềm lực kinh tế, thì trí tuệ chiếm một vị trí không nhỏ. Người Việt Nam nếu xét tổng thể về trí tuệ, chúng ta không phải là quá thua kém các nước tiên tiến khác, vấn đề mà chúng ta vướng phải là chưa biết hướng hay rèn luyện trí thông minh đó đến mức tối ưu và tạo ra giá trị gia tăng cao nhất. Với việc càng ngày, càng có nhiều sinh viên Việt Nam có điều kiện được đào tạo tại các trường đại học nước ngoài danh tiếng, cũng như nhiều người Việt có cơ hội làm việc trong các môi trường cạnh tranh, giàu tính sáng tạo của các công ty đa quốc gia, chúng ta tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều ý tưởng mới, xu hướng mới do chính các doanh nhân Việt Nam tạo ra. Và nó sẽ được phát triển thành một làn sóng tiêu dùng không chỉ dừng lại trong lãnh thổ Việt Nam. Khi đã hội nhập WTO, nếu chúng ta đủ mạnh thì việc đi ra thế giới là rất dễ dàng.
Lúc này đây trong không khí của mùa xuân Bính Tuất, giữa mùi hương của nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, quyện với mùi thơm của nhành hoa ngày Tết, tôi chợt nghĩ: năm năm, mười năm hay hai mươi năm sau thế hệ chúng tôi sẽ kể điều gì với con cháu đây ? Liệu ngoài những chiến tích hào hùng của lớp cha, anh đi trước có điều gì xứng đáng cho con cháu tự hào và tiếp nối hay không ? Có lẽ chúng tôi sẽ kể thêm về tỷ lệ tăng trưởng GDP, về sự bứt phá ngoạn mục của một thương hiệu Việt Nam, về những biểu tượng mới của kinh tế Việt Nam, về lớp doanh nhân trí thức Việt Nam trên con đường đi ra thế giới…
Tôi đang mơ về câu chuyện của bạn bè tôi và cả của tôi...
Nguyễn Tân Kỷ